Tuyến ÐT753?
Hiện nay, ĐT753 được xem là tuyến đường duy nhất có thể kết nối 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai. Tuy nhiên, tuyến đường này những năm qua đang bị chia cắt tại cầu Mã Đà và vướng Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nên chưa được đầu tư xây dựng.
Tuyến ĐT753 dài khoảng 30km, tỉnh Bình Phước đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng (đoạn từ TP. Đồng Xoài đến đường Đồng Phú - Bình Dương) với chiều dài khoảng 13km, bề rộng mặt đường 19m, nền đường rộng 22m. Đoạn còn lại khoảng 17km, mặt đường láng nhựa rộng 7m, nền đường rộng 9m.
Chủ trương đầu tư dự án đường kết nối 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai qua cầu Mã Đà đã được “kích hoạt” dự kiến
Đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 46km. Trong đó có 5km từ suối Mã Đà đến ngã ba đường vào Di tích quốc gia Trung ương Cục miền Nam. Hiện trạng đường cấp phối sỏi đỏ, bề rộng mặt đường trung bình khoảng 7m.
Tuyến đường này vừa được lãnh đạo 2 tỉnh nghiên cứu, khảo sát tìm phương án xây cầu Mã Đà nhằm kết nối giao thông 2 tỉnh. Cụ thể, giữa tháng 3-2025, lãnh đạo 2 tỉnh đã có cuộc họp và thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường kết nối 2 tỉnh qua cầu Mã Đà. Phạm vi dự án bắt đầu từ TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đi theo ĐT753, qua cầu Mã Đà để sang địa phận tỉnh Đồng Nai, sau đó đi theo các tuyến ĐT761 và ĐT767, kết nối với đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, tổng chiều dài khoảng 76km.
Mục tiêu sẽ hoàn thành các thủ tục để khởi công xây dựng cầu Mã Đà trong tháng 6-2025, dự kiến khánh thành và đưa vào sử dụng trong tháng 12-2025. Khởi công xây dựng tuyến đường kết nối từ cầu Mã Đà đến đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh trong tháng 6-2026 và đưa vào vận hành năm 2028.
Việc nâng cấp và mở rộng tuyến ĐT753, kết hợp với xây dựng cầu Mã Đà, được kỳ vọng sẽ tạo nên trục giao thông huyết mạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Dự kiến tháng 12-2025, cầu Mã Đà sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Để tuyến đường này thông suốt, sau khi hoàn thành cầu phải làm cầu cạn theo kế hoạch và nâng cấp đoạn đường đất sỏi dài 5km (từ suối Mã Đà đến ngã ba đường vào Di tích quốc gia Trung ương Cục miền Nam). Ngoài ra, đoạn qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai hiện có 2 làn đường, thiếu hệ thống đèn đường, rào chắn thú… nên việc lưu thông sẽ hạn chế.
Trường hợp khi cầu Mã Đà xây xong và giải quyết trước mắt các vướng mắc nêu trên, tuyến đường này có thể cho xe đi lại một cách hạn chế. Từ TP. Đồng Xoài đến trung tâm huyện Vĩnh Cửu qua cầu Mã Đà dài gần 70km và mất trung bình 1 giờ di chuyển. Từ đây theo ĐT767 đi thêm 18km ra quốc lộ 1 (ngã ba Trị An, huyện Trảng Bom) hoặc đi theo ĐT768 thêm 35km về trung tâm TP. Biên Hòa.
Dự kiến cung đường di chuyển từ TP. Đồng Xoài, Bình Phước đi Đồng Nai qua cầu Mã Đà
Hiện nay, sân bay Long Thành đang khẩn trương thi công, nỗ lực hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2025 theo yêu cầu của Chính phủ. Từ trung tâm TP. Biên Hòa đến sân bay Long Thành khoảng 50km qua quốc lộ 1 hoặc quốc lộ 51 và cần 1 giờ 30 phút đến 1 giờ 45 phút để hoàn tất lộ trình này. Thế nhưng, do 2 tuyến quốc lộ này đang quá tải nên thời gian sẽ kéo dài hơn. Khoảng cách ngắn nhất từ TP. Đồng Xoài đến sân bay Long Thành qua cầu Mã Đà hơn 150km, với tổng thời gian di chuyển khoảng 3 giờ (trong điều kiện bình thường).
Ðường Ðồng Phú - Bình Dương kết nối?
Cuối tháng 4-2023, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên với đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, cảng Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và sân bay Long Thành thay cho phương án làm cầu Mã Đà. Phương án được lựa chọn là kết nối đường Đồng Phú - Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, tổng chiều dài khoảng 71km.
Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đã hoàn thiện, kết nối và đưa vào sử dụng gần nửa năm nay
Tháng 9-2024, tỉnh Bình Dương đưa vào sử dụng tuyến Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng dài 50km, vận tốc thiết kế 80km/giờ, quy mô 6 làn xe, với tổng mức đầu tư hơn 5.256 tỷ đồng. Đoạn Đồng Phú - Bình Dương trước đó được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt đầu tư theo hình thức BOT với chiều dài hơn 41km, nối quốc lộ 14 (Km946, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) với đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), tổng vốn đầu tư khoảng 1.480 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được triển khai thực hiện.
Cầu Tam Lập đoạn giáp ranh giữa huyện Ðồng Phú (tỉnh Bình Phước) và huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) kết nối đường Ðồng Phú - Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đang được khẩn trương thi công
Vừa qua huyện Đồng Phú phối hợp với cơ quan chức năng giải phóng mặt bằng để thi công đoạn đường dẫn đi qua địa bàn ấp 4, xã Tân Lập để kết nối với tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng
Được biết, Bình Phước đang nghiên cứu triển khai dự án theo hình thức BT. Sau khi hoàn thành sẽ kết nối Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên với đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, cảng Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và sân bay Long Thành. Qua đó góp phần giải bài toán về kết nối giao thông 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai.
Theo Google Map cập nhật, từ thành phố Đồng Xoài đến Sân bay Long Thành phải mất hơn 3 giờ đồng hồ cho quãng đường khoảng 140km nếu di chuyển theo hướng ĐT741
Đến thời điểm hiện tại, tuyến đường này chưa thể lưu thông, nguyên nhân tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương đến nay vẫn chưa được đầu tư kết nối. Mặc dù vậy, trong trường hợp tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương đưa vào khai thác, với tổng chiều dài theo lý thuyết khoảng 71km. Do đó, thời gian di chuyển từ Đồng Xoài đến sân bay Long Thành mất khoảng 3 giờ.
ÐT741 - tuyến đường được nhiều người lựa chọn
Hiện nay, tất cả tuyến đường di chuyển từ TP. Đồng Xoài đến TP. Biên Hòa đều phải qua tỉnh Bình Dương. Trong đó, tuyến ĐT741 được nhiều người lựa chọn, với tổng quãng đường gần 90km, thời gian di chuyển khoảng 2 giờ.
Xuất phát từ trung tâm TP. Đồng Xoài, di chuyển theo ĐT741 khoảng 30km đến Giáo xứ Nước Vàng thuộc ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, đi thêm gần 10km rồi rẽ trái vào ĐH502. Đi hết tuyến ĐH502 rẽ vào đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Tiếp tục di chuyển theo ĐT746 qua cầu Thủ Biên bắc qua sông Đồng Nai, nối liền 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Từ cầu Thủ Biên tiếp tục di chuyển theo ĐT768 khoảng 8km, rẽ vào đường Đồng Khởi để đến trung tâm TP. Biên Hòa.
Cũng theo hướng ĐT 741, quãng đường từ thành phố Đồng Xoài đến thành phố Biên Hòa mất hơn 2 giờ di chuyển cho quãng đường gần 90km
Theo tính toán nếu di chuyển theo lộ trình này, từ TP. Đồng Xoài đến TP. Biên Hòa dài gần 90km, mất trung bình gần 2 giờ di chuyển. Từ đây tiếp tục đi sân bay Long Thành sẽ mất thêm khoảng 1 giờ 30 phút đến 1 giờ 45 phút.
Hàng loạt dự án giao thông sẽ sớm triển khai
Đến thời điểm này, ĐT741 là tuyến đường duy nhất và thuận lợi nhất để di chuyển từ TP. Đồng Xoài đến TP. Biên Hòa và sân bay Long Thành. Có thể đây là thông tin khiến nhiều người không vui. Tuy nhiên, với hàng loạt dự án giao thông quy mô đã và đang được “kích hoạt” như cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; dự án cầu Mã Đà và các tuyến giao thông kết nối; dự án kết nối đường Đồng Phú - Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, chắc chắn tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất sẽ giải quyết triệt để những điểm khó, điểm vướng liên quan đến vấn đề giao thông.
Ngày 18-4-2025, Bộ Xây dựng có Văn bản số 2273/BXD-KHTC gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Ðồng Nai qua cầu Mã Ðà. Trong văn bản, Bộ Xây dựng cho rằng hiện nay, kết nối tỉnh Bình Phước với TP. Hồ Chí Minh hay Ðồng Nai đều phải thông qua tỉnh Bình Dương và việc nghiên cứu để đầu tư công trình giao thông kết nối trực tiếp giữa 2 tỉnh Bình Phước và Ðồng Nai là cần thiết. Căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và trong khu vực, 2 tỉnh Ðồng Nai và Bình Phước đã thống nhất lựa chọn phương án kết nối từ TP. Ðồng Xoài đi theo ÐT753, qua cầu Mã Ðà sang địa phận tỉnh Ðồng Nai, đi theo các tuyến đường địa phương kết nối với đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, cảng Ðồng Nai, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm lưu thông thuận tiện và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Xuân Túc