Giao thông “đi trước mở đường”
Năm 1997, ngay sau khi tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương xác định để tạo bước đột phá về phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông phải “đi trước mở đường”. Trong suốt hơn 28 năm qua, Bình Dương đã tập trung và chủ động đầu tư kết cấu hạtầng đồng bộ, xuyên suốt. Quyết tâm này của Bình Dương được thể hiện rõ khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 42-CTr/TU ngày 2-8-2021 về tập trung phát triển hạ tầng giao thông - vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch xây dựng các dự án, công trình giao thông có trọng tâm, trọng điểm.
Bình Dương đã và đang có nhiều nỗ lực trong liên kết vùng Đông Nam bộ, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể, Bình Dương nỗ lực sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh, tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường chính nội tỉnh, như đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế. Đặc biệt, những tuyến đường này được xây dựng thông qua quá trình huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp của các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh, góp phần rất hiệu quả trong chia sẻ gánh nặng về ngân sách.
Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương: Bình Dương cần tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển vùng; huy động các nguồn thông qua các hợp tác của vùng với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tỉnh với đối tác nước ngoài. Cùng với đó, Bình Dương cần vận dụng các cơ chế huy động vốn thông qua khai thác đất lân cận các công trình hạ tầng đưa vào đấu giá xây dựng theo quy hoạch để tạo vốn phát triển cơ sở hạ tầng.
Để tạo động lực cho sự phát triển liên vùng, năm 2023 Bình Dương xúc tiến triển khai đầu tư, xây dựng các tuyến đường huyết mạch nối liền các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất với hệ thống cảng biển để lưu thông hàng hóa, như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, xây dựng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, xúc tiến triển khai Dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… Năm 2024, Bình Dương đã khánh thành đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm, gồm cầu Bạch Đằng 2 (nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai), đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Ngay từ đầu năm 2025, Bình Dương đã khởi công Dự án trọng điểm đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh. Bình Dương cũng quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa… Đây là những tuyến đường trọng điểm quốc gia, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các địa phương, tạo liên kết cho Bình Dương với vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên.
Hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới
Bình Dương đã tích lũy được một nền tảng lớn về hạ tầng, đi kèm với một không gian rộng lớn được để dành cho các bước phát triển tiếp theo. Đây là thành quả quý báu của quá trình lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch của tỉnh. Bình Dương đã trở thành một mô hình phát triển kiểu mẫu tại Việt Nam và được lan tỏa ra nhiều địa phương trong cả nước thông qua các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng của Bình Dương ngày càng được hoàn thiện với chất lượng cao, các khu công nghiệp được xây dựng theo hướng xanh và thân thiện với môi trường, đan xen với những khu đô thị cho chuyên gia và các khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Các hệ sinh thái công nghiệp - đô thị này đã tạo ra sự bình đẳng về thụ hưởng hạ tầng xã hội, hệ thống y tế và giáo dục cho mọi tầng lớp trong xã hội.
Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục chủ động phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia, vùng Đông Nam bộ và các địa phương lân cận mở rộng các kết nối về giao thông, đặc biệt là kết nối tới cảng biển (Cái Mép - Thị Vải, Cần Giờ), Cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), Cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình Phước), đặc biệt là hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế để tăng cường vị thế, tham gia chuỗi sản xuất, dịch vụ toàn cầu, trở thành điểm đến ưa chuộng của doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp.
Để tạo sức đột phá phát triển kinh tế và liên kết vùng, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, chú trọng hạ tầng giao thông đa phương thức kết hợp các loại hình vận chuyển. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát triển các phương án logistics và vận chuyển tiên tiến, đa phương thức với chi phí thấp. Trong năm 2025, đối với nhóm nhiệm vụ về đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, UBND tỉnh yêu cầu các ngành xây dựng các giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn nữa để tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạ tầng trọng điểm, mang tính chất lan tỏa, kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, mở rộng Quốc lộ 13... nhằm thực hiện mục tiêu có 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025 và 5.000km đường cao tốc vào cuối năm 2030 của cả nước. Một trong những ưu tiên của Bình Dương là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông với mục tiêu chuyển đổi thành đô thị hiện đại và thông minh. Đặt trọng điểm vào việc xây dựng các dự án hạ tầng có tính chiến lược, bảo đảm sự liên kết mạnh, mở rộng không gian kết nối, sớm hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc các trục cao tốc, cùng với phát triển các khu công nghiệp thông minh, thu hút đầu tư công nghệ cao. Bình Dương cũng đầu tư kết nối các công trình hạ tầng nội bộ tỉnh và kết nối vùng...
Tại Kỳ họp thứ 22 (chuyên đề) vừa qua, HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua Đề án huy động nguồn lực thực hiện Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên, TP.Hồ Chí Minh); quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường ven sông Sài Gòn đoạn từ Quốc lộ 13 (gần rạch Vĩnh Bình) đến đường Vĩnh Phú 40. Việc khởi công, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, khánh thành và đưa vào sử dụng các công trình này sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bước đột phá để tỉnh nhà vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới.
PHƯƠNG LÊ - THANH TUYỀN