Theo Đài RT (Nga), nhà khoa học Alexander Gintsburg – cũng là người đứng đầu Viện nghiên cứu dịch tễ Gamaleya, nơi phát triển thành công vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 – cho biết đột biến của virus H5N1 có thể cho phép lây truyền sang người qua không khí, dẫn đến cuộc khủng hoảng dịch tễ có khả năng còn tồi tệ hơn bệnh đậu mùa, với tỷ lệ tử vong cao.
Ảnh: Getty
Theo nhà khoa học Gintsburg, nguy cơ này đủ nghiêm trọng để Nga phải bắt tay vào việc phát triển vaccine ngay lập tức. Ông lưu ý hiện chưa có chương trình nào như vậy.
Thông tin do ông Gintsburg đưa ra vào lúc các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Maryland (Mỹ) phát hiện sự gia tăng các trường hợp cúm gia cầm ở mèo nhà trong 2 thập kỷ qua với hơn 200 ca nhiễm ở mèo tại 18 quốc gia, trong đó tỷ lệ tử vong trên 50%.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo mèo nhà dễ mắc cúm gia cầm và tạo nguy cơ lây truyền từ động vật sang người. Mèo thường mắc H5N1 qua việc ăn gia cầm bị nhiễm bệnh, các sản phẩm gia cầm sống hoặc sữa chưa tiệt trùng từ gia súc nhiễm bệnh. Rủi ro có thể xảy ra với những người tiếp xúc gần với động vật trong thời gian bùng phát dịch.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 974 trường hợp người nhiễm H5N1 được xác nhận tại 24 quốc gia kể từ năm 2003. Trong số này, có 470 ca tử vong. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về khả năng H5N1 lây truyền từ người sang người.
Võ Giang/VOV1 Tổng hợp