Sau 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM đã có những bước phát triển vượt bậc về hạ tầng giao thông đô thị, từng bước hoàn thiện mạng lưới kết nối trong TP cũng như với các tỉnh, thành lân cận. Những công trình trọng điểm không chỉ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông mà còn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần mở rộng không gian đô thị và hình thành các trung tâm kinh tế mới.
TP.HCM mang dấu ấn của các công trình trọng điểm
Trong suốt 50 năm qua, hàng loạt dự án giao thông quan trọng đã được TP triển khai. Hầm vượt sông Sài Gòn - một phần của đại lộ Đông - Tây, đã giúp kết nối trung tâm TP với Thủ Thiêm, thúc đẩy sự phát triển của khu đô thị này thành trung tâm tài chính - kinh tế trong tương lai. Các cây cầu như cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son, cầu Phú Mỹ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực phía đông, tạo điều kiện cho TP Thủ Đức phát triển nhanh chóng.
TP.HCM cần hình thành hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn - hiện đại, đồng bộ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tuyến cao tốc đầu tiên của khu vực Nam Bộ, giúp giảm áp lực cho Quốc lộ 1, rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM và miền Tây, qua đó thúc đẩy liên kết vùng. Đại lộ Nguyễn Văn Linh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng khu Nam TP, tạo tiền đề cho sự hình thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng - một trong những đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam.
Gần đây nhất, tuyến metro số 1 đi vào hoạt động đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của TP. Không chỉ giúp thay đổi thói quen di chuyển của người dân, tuyến metro này còn là tiền đề để phát triển mạng lưới metro trong tương lai, giảm áp lực giao thông đường bộ và hướng đến một đô thị hiện đại, bền vững hơn.
Trong suốt 50 năm qua, quá trình xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của TP.HCM cũng chính là hành trình mở ra những cơ hội mới cho công tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Từ góc độ của Trường ĐH GTVT TP.HCM - đơn vị đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực GTVT, mỗi công trình trọng điểm đều mang đến điều kiện thực tiễn để các thế hệ sinh viên có thể tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, mô hình quy hoạch và quản lý hạ tầng hiện đại. Đồng thời, sự phát triển của mạng lưới giao thông cũng đặt ra nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực có chuyên môn, tạo động lực để nhà trường đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, chính quyền TP trong việc đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM, như hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son và cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đã có tác động sâu rộng và tạo ra những thay đổi quan trọng đối với đô thị, kinh tế và xã hội của TP, đặc biệt là trong việc hình thành các trung tâm và khu đô thị lớn như Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng.
Về mặt đô thị, các dự án này đã giúp mở rộng không gian sống của TP.HCM, đặc biệt là ở khu vực phía đông và phía nam TP. Hầm vượt sông Sài Gòn và các cầu như cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son đã kết nối trung tâm TP với các khu vực phát triển mới, thúc đẩy sự hình thành các khu đô thị hiện đại như Thủ Thiêm. Khu vực này rồi đây sẽ trở thành một trung tâm tài chính và kinh tế tiềm năng của TP.HCM trong tương lai. Đồng thời, cao tốc TP.HCM - Trung Lương giúp kết nối TP.HCM với miền Tây, góp phần mở rộng không gian đô thị không chỉ trong TP mà còn cả vùng lân cận.
Về mặt kinh tế, những dự án này đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các khu vực mới, đồng thời giảm tải cho khu vực trung tâm TP. Các khu đô thị như Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng đã trở thành các điểm sáng về phát triển kinh tế, thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, Phú Mỹ Hưng không chỉ là một khu đô thị kiểu mẫu mà còn là một trung tâm kinh tế với cơ sở hạ tầng hiện đại, các khu vực thương mại và dịch vụ phát triển sôi động.
Về mặt xã hội, các dự án giao thông này đã cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân TP.HCM. Việc giảm bớt ách tắc giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển đã giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm thiểu căng thẳng và nâng cao sự hài lòng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, sự hình thành của các khu đô thị mới không chỉ tạo ra không gian sống hiện đại mà còn đáp ứng nhu cầu về nhà ở, công việc và các dịch vụ tiện ích, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn.
Metro số 1 - dấu mốc quan trọng trong hiện đại hóa hạ tầng giao thông
Với việc khánh thành tuyến metro số 1 - thực sự là một trong những dự án giao thông trọng điểm và mang tính bước ngoặt đối với TP.HCM. Đây không chỉ là niềm tự hào của TP trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn là dấu mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông, nhằm giải quyết các vấn đề giao thông đô thị ngày càng nghiêm trọng.
Tôi kỳ vọng rằng tuyến metro số 1 sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM, giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc, nâng cao hiệu quả di chuyển và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các khu vực trung tâm, các khu đô thị mới, cũng như các điểm giao thương quan trọng của TP. Đây sẽ là bước đi quan trọng trong việc xây dựng một TP văn minh, hiện đại, giảm bớt áp lực giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phương tiện cá nhân.
Mặt khác, tôi hy vọng tuyến metro số 1 chỉ là bước khởi đầu cho một mạng lưới đường sắt đô thị rộng khắp trong tương lai, góp phần thay đổi diện mạo và phát triển bền vững cho TP.HCM. Mạng lưới này sẽ giúp kết nối các khu vực trong TP một cách nhanh chóng và hiệu quả. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của các khu đô thị mới, tạo ra các cơ hội đầu tư, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Rất nhiều người chọn metro làm phương tiện đi lại. Ảnh: NHƯ NGỌC
Cần triển khai đồng bộ dự án giao thông hiện đại
Để TP.HCM vươn mình cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, tôi hy vọng TP sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh và làm mới những kế hoạch trong các lĩnh vực giao thông và quy hoạch đô thị.
Trong thời gian tới, việc triển khai đồng bộ các dự án giao thông hiện đại như tuyến metro số 2, metro số 3a hay các tuyến cao tốc kết nối TP.HCM với các khu vực lân cận là rất quan trọng. Những công trình này không chỉ giúp giảm tải ùn tắc mà còn mở ra cơ hội phát triển cho các khu vực mới và gia tăng sự kết nối giữa các quận, huyện trong TP.
Đồng thời, TP.HCM cũng cần tiếp tục cải thiện và hoàn thiện các chính sách kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án giao thông công cộng, giao thông thông minh và hạ tầng xanh. Việc hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ mang lại nguồn lực và chuyên môn, giúp các dự án giao thông phát triển nhanh chóng và bền vững. Cùng với đó, việc đầu tư vào công nghệ thông minh và bền vững trong xây dựng hệ thống giao thông cũng sẽ giúp TP không chỉ phát triển hiện đại mà còn thân thiện với môi trường.
TP.HCM cũng cần triển khai các dự án giao thông tích hợp, nơi các phương tiện giao thông kết nối linh hoạt với nhau, giúp người dân dễ dàng chuyển tiếp giữa các tuyến xe buýt, metro và các phương tiện cá nhân. Điều này, sẽ tạo ra một hệ thống giao thông tiện lợi và hiệu quả, giảm bớt ách tắc và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tôi tin rằng với những bước đi vững chắc trong quy hoạch và triển khai các công trình giao thông, TP.HCM sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững, đồng thời tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và sáng tạo của cả nước.
PGS-TS VŨ TUẤN HƯNG, Quyền Viện trưởng, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:
Kỳ vọng TP.HCM hiện đại, thông minh, kết nối đa chiều
Trong những năm tới, TP.HCM đứng trước thời cơ và thách thức lớn để bứt phá mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông đô thị, hướng tới một TP hiện đại, thông minh, kết nối đa chiều và phát triển bền vững. Dựa trên quy hoạch, tầm nhìn và các dự án đang triển khai, kỳ vọng về diện mạo giao thông - đô thị TP.HCM có thể được hình dung với bốn xu hướng nổi bật.
Bốn xu hướng bao gồm: Hình thành hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn - hiện đại, đồng bộ; kết nối vùng - đột phá giao thông liên tỉnh, cao tốc và vành đai; hình thành các cực phát triển đô thị mới, lan tỏa ra vùng ven; hướng đến giao thông thông minh - xanh - bền vững.
Trong những năm tới, TP.HCM sẽ không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, mà còn là một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, có hệ thống giao thông công cộng phát triển mạnh, kết nối vùng hiệu quả, giảm ùn tắc và nâng cao chất lượng sống.
Nếu được “đặt hàng” với TP.HCM để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số, hiện đại, xanh và bền vững thì dưới đây là những nội dung cốt lõi và cấp thiết cần được TP.HCM ưu tiên triển khai.
Thứ nhất là tư duy quy hoạch đột phá, tầm nhìn vùng - quốc tế: TP.HCM đổi mới tư duy quy hoạch đô thị, giao thông theo hướng tích hợp - thông minh - linh hoạt. Không quy hoạch theo kiểu “cắt miếng”, “chia lô”, mà phải liên kết đa tầng, kết nối đa chiều. Bao gồm: Giao thông - đô thị - kinh tế - môi trường - xã hội. Gắn quy hoạch giao thông với phát triển các trung tâm chức năng tài chính quốc tế (Thủ Thiêm), công nghệ cao (TP Thủ Đức), logistics (Hiệp Phước), công nghiệp công nghệ cao (Củ Chi, Hóc Môn). TP.HCM phải giữ vai trò đầu tàu trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau 50 năm thống nhất đất nước, TP.HCM đã có những bước phát triển vượt bậc về hạ tầng giao thông đô thị. Ảnh: THUẬN VĂN
Thứ hai là tăng tốc triển khai các công trình hạ tầng giao thông chiến lược: TP.HCM tập trung nguồn lực, tháo gỡ thể chế, cải cách thủ tục, để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông mang tính kết nối và tạo đột phá.
Các công trình cụ thể: Tuyến metro số 2, số 3a, số 5, tuyến LRT Thủ Thiêm - Long Thành phải được đưa vào triển khai đồng loạt, không để tình trạng “mỗi tuyến 10 năm”. Đường vành đai 3, vành đai 4 giao TP.HCM trách nhiệm làm đầu tàu trong liên kết và điều phối thực hiện các tuyến vành đai đa tỉnh. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, mở rộng TP.HCM - Long Thành cần đảm bảo tiến độ và chất lượng, đóng vai trò huyết mạch phát triển vùng. Đường trục Bắc - Nam, trục xuyên tâm Đông - Tây. Trong nội đô cần có phương án giải tỏa mặt bằng hiệu quả và xây dựng đồng bộ với metro.
TP.HCM cần mở rộng không gian đầu tư - kêu gọi đầu tư theo hình thức linh hoạt, hiện đại; xây dựng TP.HCM trở thành đô thị xanh - giao thông thông minh - TP không khói xe.
Để TP.HCM thật sự vươn mình cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới thì những “đơn đặt hàng” không chỉ là về công trình hay quy hoạch, mà còn là tư duy, hành động và cơ chế đổi mới mạnh mẽ. TP cần dám “Nghĩ lớn - làm thật; tăng tốc - cắt gọn thủ tục; kết nối vùng - kêu gọi đầu tư toàn cầu; phát triển xanh - thông minh - bền vững”.
PGS-TS NGUYỄN ANH TUẤN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM