TS. Nguyễn Đình Cung - Ảnh: VGP/Hoàng Hạnh-
Chính phủ tiên phong trong cải cách, hoàn thiện thể chế
"Việt Nam đang có một cơ hội chưa từng có để cải cách, hoàn thiện thể chế", TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương đưa ra nhận định này tại một cuộc hội thảo tổ chức vào những ngày đầu năm 2025, và vị chuyên gia cũng ngay lập tức giải thích lý do. Đó là vì những quan điểm mang tính nền tảng "trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn" (phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2025), "hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển trong khoa học công nghệ" (phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 13/1/2025), "đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá'" (phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 24/1/2025) đã được nghiêm túc lắng nghe, quán triệt và sắp xếp thực hiện.
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 13/1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Thể chế là nguồn lực, động lực phát triển; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển. Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, hoàn thiện thể chế sẽ góp phần đắc lực thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Trong Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tổ chức sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững, hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao.
Hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Tinh thần này cũng được truyền đạt lại trong cuộc họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), diễn ra chiều 13/1/2025.
Nhìn trong về mục tiêu ngắn hạn, tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, Chính phủ khẳng định, đột phá về thể chế là "đột phá của đột phá", phải đi sớm, đi trước mở đường cho phát triển. Đáng lưu ý, tinh thần vừa quản lý vừa kiến tạo và phát triển đã được xác định, tư duy "không quản được thì cấm" bị từ bỏ.
Cùng với đó, việc quản lý theo kết quả cùng với yêu cầu minh bạch sẽ tạo cơ hội, động lực phấn đấu cho các chủ thể trong nền kinh tế và tạo áp lực cho các nhà quản lý Trung ương và địa phương nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện chỉ đạo trong Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Như phát biểu của TS. Nguyễn Đình Cung trong cuộc hội thảo đã đề cập ở trên, đột phá về thể chế có thể khơi dậy, tạo ra một động lực cực kỳ lớn trong huy động nguồn lực, giải phóng, đánh thức tiềm năng, tạo ra không gian phát triển cực kỳ lớn, là cơ sở hướng tới tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn trong các năm tiếp theo.
"Với quyết tâm và cả áp lực, tôi hy vọng chúng ta sẽ làm được. Và người tiên phong trong cải cách, hoàn thiện thể chế là Chính phủ", vị chuyên gia kinh tế khẳng định.
TS. Huỳnh Thanh Điền - Ảnh: VGP/Hoàng Hạnh
Để khoa học công nghệ thành động lực tăng trưởng mới
Mở rộng các động lực tăng trưởng cũ và tạo dựng động lực tăng trưởng mới đều khả thi nếu đạt được những tiến bộ về khoa học công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo. Và để nhiệm vụ này dễ dàng hơn, câu chuyện lại quay trở về vấn đề hoàn thiện, cải cách thể chế.
Nhìn nhận vấn đề này, TS. Huỳnh Thanh Điền (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng, đầu tiên phải tháo gỡ khó khăn, xác định mục tiêu đúng và đổi mới cách thức hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Cả 3 vướng mắc này cần phải giải quyết đồng thời, từ đó, điều hướng lại đích đến của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, để biến nó thành động lực của tăng trưởng kinh tế dài hạn và bền vững.
Thứ nhất, hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản là tạo ra những nền tảng cho các nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Đối với nghiên cứu cơ bản, nguồn tài trợ chính phải đến từ ngân sách Nhà nước và ngân sách Nhà nước cần ưu tiên tài trợ cho những nghiên cứu đạt được mục tiêu này.
Đối với nghiên cứu khoa học ứng dụng, mục tiêu quan trọng phải là thương mại hóa. Các nghiên cứu hướng đến công bố quốc tế, làm đẹp hồ sơ của nhà khoa học hay mang tính chất quảng bá cho các viện, trường đại học… sẽ phải dựa vào nguồn ngân sách của chính cá nhân đó hay các tổ chức giáo dục đã nêu. Nguồn tiền từ các quỹ khoa học công nghệ được rót ngân sách không nên tài trợ cho các nghiên cứu dạng này.
Ngay cả các nghiên cứu khoa học ứng dụng cũng phải dựa vào tính chất thương mại hóa để tìm nguồn tài trợ, giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Nhà nước tạo ra không gian và thể chế để hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm đến thương mại hóa có thể được thực hiện ngay tại các doanh nghiệp, thông qua sự hợp tác giữa cá nhân nhà nghiên cứu với doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp với các viện, trường, tổ chức khoa học…
"Từ khi các viện, trường đại học… nhắm đến việc công bố bài báo quốc, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng mạnh, gấp khoảng 8 lần trong giai đoạn 2011-2020. Nếu có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học hướng tới thương mại hóa, có thể trông chờ vào một sự bùng nổ tương tự", TS. Nguyễn Thanh Điền so sánh.
Vấn đề thứ hai, theo vị chuyên gia, là phải hình thành được thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích sự tham gia của mọi chủ thể trong xã hội vào việc đề xuất ý tưởng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, để người có ý tưởng có thể tham gia vào các nhóm nghiên cứu chuyên nghiệp, tạo cầu nối giữa người nghiên cứu và doanh nghiệp, biến các chúng thành các quy trình, phương pháp sản xuất hay sản phẩm trong thực tế.
Để thị trường này hoạt động trơn tru, hiệu quả, phải có quy định bảo vệ quyền sở hữu của người bán, bảo vệ quyền và lợi ích của người mua ý tưởng cũng như tính hợp pháp của các giao dịch khoa học công nghệ.
Thứ ba, trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ dùng nguồn ngân sách Nhà nước, phải cởi bỏ các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, công nhận thông qua sản phẩm nghiên cứu để khuyến khích các nhà khoa học. Nghĩa là, cần phải xây dựng tiêu chí đối với các nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, những đề tài nào phù hợp tiêu chí thì được nghiên cứu, nhà khoa học chủ động trong quá trình nghiên cứu và được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng.
Cơ chế chi trả cho các nghiên cứu cũng phải được điều chỉnh, tránh biến nhà khoa học, nhà nghiên cứu thành cán bộ hành chính hay kế toán viên, chẳng hạn, có thể ứng trước một phần (nếu nhà khoa học không hoàn thành nghiên cứu thì trả lại tạm ứng, nếu không trả lại có thể bị hạn chế tham gia các đề tài, dự án khác…), hoặc chi trả toàn bộ sau khi nhận kết quả nghiên cứu.
Cùng với đó, cần có chính sách vừa khuyến khích vừa ràng buộc các viện trường hướng tới nghiên cứu khoa học có thể thương mại hóa, thay vì chăm chăm vào mục tiêu công bố quốc tế, xây dựng hình ảnh của cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Theo đó, có thể quy định một phần trong quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ của từng viện, trường phải được thể hiện bằng các sản phẩm thực tế.
Cuối cùng, phải kích hoạt được mạnh mẽ hơn các nguồn đầu tư tư nhân cho hoạt động nghiên cứu khoa học và sử dụng các thành quả nghiên cứu khoa học.
Theo quy định của pháp luật hiện tại, doanh nghiệp tư nhân được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn vận hành quỹ này, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nhiều thủ tục hành chính, tương tự như hoạt động nghiên cứu khoa học dùng ngân sách hiện tại.
Vậy nên, các doanh nghiệp hoặc là không mặn mà với việc thành lập quỹ, hoặc thành lập quỹ thiên về chi tiêu cho mua sắm thiết bị, giải pháp công nghệ, chi cho nhân sự… thay vì tập trung vào những nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng chính tại doanh nghiệp. Thay vì cách đánh giá dựa trên quy trình, có thể đánh giá dựa trên kết quả, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, nộp kết quả và được xét giảm trừ thuế thu nhập trên kết quả này.
Bên cạnh đó, khuyến khích hình thành các quỹ bảo trợ tư nhân cho nghiên cứu khoa học công nghệ. Đây sẽ là nơi để người có ý tưởng tìm đến, hội đồng quản lý quỹ sẽ thẩm định, nếu đạt sẽ hỗ trợ để khởi nghiệp, ươm tạo một thời gian cho tới khi sáng kiến đó biến thành sản phẩm thương mại hóa mang lại lợi nhuận.
Nguồn lực duy trì các quỹ này sẽ đến từ đóng góp của các mạnh thường quân và nguồn thu lại từ các dự án mà họ đã đầu tư. Nhà nước tạo cơ chế để thành lập và vận hành các quỹ này, đồng thời, đề ra các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, mạnh thường quân đóng góp nhân lực và vật lực cho các quỹ như vậy.
Hoàng Hạnh