Các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phân tích hoạt động địa chấn trên Sao Hỏa. Ảnh: NASA
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phân tích hoạt động địa chấn trên Sao Hỏa, được gọi là "marsquakes" (động đất Sao Hỏa).
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện một cụm 6 trận động đất Sao Hỏa ở vùng cao nguyên phía Nam của hành tinh này, khu vực chiếm khoảng hai phần ba bề mặt Sao Hỏa. Các nhà nghiên cứu cho rằng các trận động đất này chỉ ra rằng sự khác biệt về địa lý giữa các khu vực phía Nam và phía Bắc của Sao Hỏa có thể được hình thành do sự chuyển giao nhiệt trong các lớp sâu của hành tinh.
Ông Hrvoje Tkalcic, đồng tác giả của nghiên cứu từ ANU, cho biết thông qua dữ liệu từ các trận động đất Sao Hỏa, khi so sánh với các trận động đất ở bán cầu Bắc đã được ghi nhận rõ ràng, các nhà khoa học thấy rằng bán cầu Nam của hành tinh này nóng hơn rõ rệt so với bán cầu Bắc. Ông nhấn mạnh việc nắm rõ hoạt động đối lưu sẽ cung cấp những manh mối về cách mà Sao Hỏa đã tiến hóa thành trạng thái hiện tại trong suốt hàng tỷ năm.
Ông cũng lưu ý rằng có hai giả thuyết trái ngược nhau nhằm giải thích tại sao bán cầu Nam của Sao Hỏa có lớp vỏ dày hơn và cao hơn từ 5 đến 6km so với bán cầu Bắc.
Giả thuyết đầu tiên, giả thuyết nội sinh cho rằng sự chuyển giao nhiệt trong lòng hành tinh từ hàng tỷ năm trước đã tạo ra sự phân chia này. Giả thuyết thứ hai, giả thuyết ngoại sinh cho rằng các sự kiện ngoài không gian đã tạo ra sự khác biệt này.
Ông Tkalcic khẳng định phát hiện mới là bằng chứng quan sát đầu tiên ủng hộ lý thuyết nội sinh.
Trong khi đó, nhà khoa học Weijia Sun từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết sự khác biệt về địa hình giữa hai khu vực phía Nam và phía Bắc của Sao Hỏa tương đương với độ cao của những dãy núi cao nhất trên Trái Đất.
Để có được thông tin nghiên cứu trên, nhóm đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ thiết bị đo địa chấn InSight của NASA trên Sao Hỏa.
Lan Phương (TTXVN)