Đột phá từ chính quyền quản lý sang phục vụ

Đột phá từ chính quyền quản lý sang phục vụ
4 giờ trướcBài gốc
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền mà còn là thước đo năng lực điều hành, khả năng phục vụ của chính quyền các cấp. Bởi vậy, tỉnh ta đã nhất quán quan điểm chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm kiến tạo nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.
Để tháo gỡ rào cản và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến nền hành chính phục vụ thực chất, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC theo từng lĩnh vực quản lý. Giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có 18 TTHC liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp, 54 TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính, 62 TTHC thuộc lĩnh vực kinh doanh được đơn giản hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn 30% thời gian giải quyết đối với 443 TTHC. Mặt khác, tỉnh đã đơn giản hóa giấy tờ công dân và triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với 152 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý dân cư.
Công an hỗ trợ người dân thành phố Hà Giang làm căn cước công dân. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cùng với kết quả trên, UBND tỉnh còn thực hiện nghiêm việc rà soát, công bố, công khai TTHC, tái cấu trúc, chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong quý I.2025, để đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ không bị gián đoạn sau khi sắp xếp lại bộ máy nhà nước, tỉnh đã ban hành thêm 35 quyết định công bố, với tổng số 2.155 TTHC được rà soát, chuẩn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 1.982 TTHC còn hiệu lực, được công khai đầy đủ trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, các website của cơ quan chức năng, bộ phận một cửa các cấp và Cổng dịch vụ công Quốc gia, đảm bảo tính minh bạch, kịp thời, đồng bộ trong phục vụ tổ chức, cá nhân.
Hiện nay, toàn tỉnh đang cung cấp 648 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.256 dịch vụ công một phần. Đặc biệt, có tới 543 TTHC được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, không sử dụng hồ sơ giấy, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp, nâng cao tính minh bạch, công khai, hiệu quả trong giải quyết TTHC. Tỉnh cũng triển khai 66 TTHC cho phép tiếp nhận, trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Điều này giúp người dân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bất kỳ bộ phận một cửa cấp tỉnh, huyện hoặc xã nào, qua đó mở rộng không gian hành chính phục vụ và tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Trước thực trạng hệ thống thông tin giải quyết TTHC (cũ) được đầu tư từ năm 2014 không còn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để vận hành hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, UBND tỉnh chủ động chuyển hướng hiện đại hóa hạ tầng số, đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết TTHC – iGate từ ngày 1.6.2023 và thuê dịch vụ công nghệ thông tin chuyên nghiệp để vận hành hệ thống vào năm 2024. Qua đó, hoàn thành khởi tạo, cấu hình quy trình cho 815 đơn vị, cấp 2.640 tài khoản cho cán bộ công chức, viên chức và 14.532 tài khoản cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, hệ thống đã kết nối thành công với 24 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, bảo đảm liên thông với các nền tảng cung cấp dịch vụ công tập trung của bộ, ngành T.Ư…
Cán bộ tại Trung tâm hành chính công huyện Quản Bạ hỗ trợ người dân giải quyết TTHC nhanh chóng. Ảnh: Mai Ánh
Với nền tảng số được thiết kế hiện đại, đồng bộ, hệ thống thông tin giải quyết TTHC – iGate giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, minh bạch hóa quy trình và giảm thiểu tối đa các thao tác thủ công để nâng cao trải nghiệm người dùng. Từ những bước tiến đột phá trong lĩnh vực hành chính công, năm 2024, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được ngành chuyên môn xếp hạng thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 48 bậc so với năm 2023). Riêng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024 của tỉnh xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 bậc so với năm 2023).
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết hàng triệu hồ sơ TTHC, với tỷ lệ đúng và trước hạn duy trì ở mức cao. Cụ thể, cấp tỉnh xử lý 342.559 hồ sơ (43,14% trực tuyến), tỷ lệ đúng và trước hạn đạt gần 100%; cấp huyện tiếp nhận trên 206.000 hồ sơ, tỷ lệ đúng và trước hạn đạt hơn 98%; cấp xã xử lý hơn 902.000 hồ sơ với tỷ lệ đúng và trước hạn xấp xỉ 100%, trễ hạn chỉ chiếm 0,55%. Thêm một ấn tượng khác, toàn tỉnh đã số hóa gần 50.000 kết quả TTHC còn hiệu lực, tiến tới mục tiêu hoàn thành 100% vào cuối tháng 9.2025. Riêng năm 2024, tỷ lệ hồ sơ TTHC được số hóa đạt 90,02%, trong đó tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 84,07%. Đến hết quý I.2025, các chỉ số này tiếp tục được nâng lên, đạt lần lượt 91,96% và 92,11%, với hàng triệu lượt truy cập, tra cứu tài liệu thông qua hệ thống. Ngoài ra, toàn tỉnh còn số hóa toàn bộ dữ liệu hộ tịch với gần 390.000 trang sổ và hàng trăm nghìn thông tin khai sinh, kết hôn, khai tử… tạo nền tảng dữ liệu dân cư nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (theo Quyết định 766, ngày 23.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ). Nếu như năm 2022, tỉnh ta mới đạt 54,03/100 điểm, xếp loại trung bình, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố thì đến năm 2024 bứt phá với 85,60 điểm, xếp loại tốt, vươn lên vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố, trở thành minh chứng rõ nét cho quyết tâm cải cách TTHC vì Nhân dân phục vụ.
Những kết quả nổi bật trên một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của tỉnh trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ thủ công sang số hóa, từ phân tán sang liên thông – chia sẻ trong toàn hệ thống chính quyền. Đây chính là động lực để tỉnh tiếp tục bứt phá trong giai đoạn mới, góp phần nâng cao chất lượng quản trị công và thúc đẩy phát triển KT-XH một cách bền vững, toàn diện.
THU PHƯƠNG
Nguồn Hà Giang : http://baohagiang.vn/chuyen-muc-cai-cach-hanh-chinh/202505/dot-pha-tu-chinh-quyen-quan-ly-sang-phuc-vu-7f86c70/