Nước từ giếng khoan của gia đình bà Sung có màu đen và mùi tanh nồng
Khu tái định cư "3 không"
Đã nhiều tháng không có mưa, con đường đất dẫn vào khu tái định cư (TĐC) thuộc Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội (huyện Thạch Thất) bụi bay mù mịt. Mặc dù mới đây các hộ dân đã tự góp tiền thuê máy san gạt nhưng rất nhanh sau đó, đường lại xuống cấp.
"Đã có 37 hộ dân vào trong khu TĐC để ở, trong đó có gia đình tôi. Hộ ở lâu nhất cũng đã 5 năm nhưng đến nay, con đường vào khu TĐC vẫn là đường đất. Nắng thì bụi, mưa thì bùn, người dân đi lại rất khổ sở", ông Nguyễn Văn Cường (SN 1957), Trưởng thôn 5, cho biết.
Theo vị Trưởng thôn này, nỗi khổ lớn nhất mà người dân khu TĐC phải chịu đựng là đến thời điểm này vẫn chưa có nước sạch. Trong khi đó, điện lưới người dân phải tự tìm nguồn, kéo điện về dùng.
"Gia đình tôi đang phải kéo điện của người quen ở xã Cổ Đông, Sơn Tây, về dùng. Riêng tiền đường dây để đấu nối về nhà đã tốn mấy chục triệu đồng", ông Nguyễn Văn Thảo (SN 1969, một người dân thôn 5) chia sẻ.
Ở khu TĐC, gia đình ông Thảo thuộc diện may mắn khi tiến hành khoan giếng chỉ một mũi là có nước. Nguồn nước từ giếng cũng khá tốt nên gia đình ông chỉ cần lọc qua máy là có thể dùng được.
Trong khi đó gia đình Trưởng thôn Nguyễn Văn Cường và hầu hết hộ dân sinh sống ở đây lại không có được may mắn đó khi có đến 30% số giếng khoan không thể dùng được do nước bẩn, số khác khoan sâu vẫn không có nước.
Hai công trình trường học cơ bản đã hoàn thiện nhưng bị bỏ hoang mấy năm nay
Theo ông Cường, gia đình ông đã tiến hành khoan nhiều mũi thế nhưng nước bơm lên đục ngầu, có mùi tanh. Dù đã dùng hệ thống lọc hiện đại nhưng nước vẫn không hết chất bẩn. Cực chẳng đã, ông Cường đành phải dùng nước giếng khoan để tưới cây, sau đó mượn một mảnh đất bỏ hoang của người dân trong xã cách nhà 200m để đào giếng khơi.
May mắn, ông Cường đã tìm được nguồn nước tốt hơn. Dù vậy phải trải qua 3 lần lọc, gia đình ông Cường mới có thể dùng nước này để sinh hoạt.
Khốn khổ nhất ở khu TĐC phải kể đến hộ gia đình bà Ngô Thị Sung (SN 1964). Gia đình bà Sung thuộc diện hộ cận nghèo, chồng bà - ông Cấn Văn Nam (SN 1969) mắc bệnh thần kinh nhiều năm nay nên không làm được việc gì.
Bà Sung cho biết, trước đây, nhà bà ở vị trí trụ sở Đại học Quốc gia hiện tại. Sau khi nhường đất cho dự án, gia đình bà được cấp 300m2 đất tại khu TĐC. Thế nhưng do nhà nghèo, không có tiền xây nhà mới nên vợ chồng bà Sung cùng 2 con phải thuê nhà để ở.
Năm trước, bà Sung bán toàn bộ đất, lấy tiền mua lại mảnh nhỏ hơn và cất lên ngôi nhà 2 tầng. Những tưởng cuộc sống của gia đình bà sẽ bước sang trang mới nhưng tại nơi ở mới, họ lại phải đối diện với vô số vấn đề. Không có điện sinh hoạt, bà Sung đành phải mua điện từ Ban Quản lý Dự án khu TĐC Đại học Quốc gia.
Nan giải nhất với gia đình bà là vấn đề nước sạch. "Gia đình tôi tốn khá nhiều tiền để khoan 3 giếng nhưng 2 cái không có nước, cái còn lại khá khẩm hơn nhưng nước bơm lên đen ngòm và bốc mùi tanh nồng, mỗi lần bơm chỉ được vài phút lại cạn", bà Sung ngán ngẩm nói.
Như để chứng minh cho những điều bản thân vừa nói, bà Sung đã bơm nước từ giếng lên bãi đất trống gần đó. Sau khi nước rút, trên mặt đất chỉ còn lại một lớp bùn đen. Không biết lấy nước đâu để sinh hoạt, đều đặn mỗi ngày, bà Sung cần mẫn bơm lên mấy chiếc xô nhựa.
Thứ nước lờ nhờ sau khi bùn đã lắng xuống được các thành viên trong gia đình bà sử dụng để rửa. Còn nước ăn uống, bà Sung và các con phải thay phiên nhau đến từng nhà trong xóm xin từng xô nước về dùng.
Xây trường xong bỏ hoang
Trên địa bàn khu TĐC hiện có 2 công trình trường mầm non và tiểu học xây dựng trong khuôn viên dự án. Cả 2 ngôi trường được xây bề thế và cơ bản thi công xong từ cuối năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Để có nước dùng, nhà Trưởng thôn Nguyễn Văn Cường phải dùng nhiều bình lắng và lọc qua nhiều lần
Theo tìm hiểu, 2 công trình trường học này đều thuộc Dự án khu TĐC Đại học Quốc gia Hà Nội do UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư. Hai công trình này được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu học tập của con em người dân thôn 5 nói riêng (có đất bị thu hồi thực hiện Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội) và xã Thạch Hòa nói chung.
Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo huyện Thạch Thất cho biết, sở dĩ 2 công trình này chưa được hoàn thiện để đưa vào sử dụng do Dự án khu TĐC Đại học Quốc gia Hà Nội hết thời gian thi công.
UBND huyện đã nhiều lần có văn bản gửi Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện dự án nhưng đến nay chưa được gia hạn. Vì lý do này, 2 trường này phải dừng thi công.
"Lúc mới khởi công xây trường học, người dân rất vui mừng vì có trường mới, con em đi học sẽ thuận tiện hơn. Thế nhưng, sự chờ đợi của người dân đã biến thành nỗi thất vọng. Hai ngôi trường cơ bản đã xây xong nhưng không đưa vào sử dụng, hàng trăm cháu nhỏ ở khu TĐC cũng như thôn 5 đều phải đến trung tâm xã để đi học.
Quãng đường gần 10km, phải đi trên Quốc lộ 21, xe cộ đông đúc, rất nguy hiểm. Trong khi đó, 2 trường học bỏ hoang, người dân rất xót xa", anh Đặng Thành Công, một người dân khu TĐC, nói.
Gia đình anh Công có 3 con nhỏ, 2 cháu đang học mầm non và 1 cháu học tiểu học. Nhà chỉ cách 2 công trình trường học bỏ hoang vài trăm mét nên nếu trường được đưa vào sử dụng, các con của anh Công chỉ cần đi bộ tới trường.
Thế nhưng hiện tại, mỗi ngày anh Công đều phải 2 lượt đưa đón các con từ nhà lên trung tâm xã để đi học. Anh Công cho biết, hầu hết con em ở thôn 5 đều thuê ô tô đưa đón. Còn nhà anh ở trong khu TĐC, xe không vào tới nơi, hơn nữa, các con còn quá nhỏ, đi ô tô đưa đón sợ không đảm bảo nên anh Công phải lựa chọn phương án đưa đón con mỗi ngày.
Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Cường, thôn 5 hiện có 618 hộ dân, trong đó 470 hộ nằm trong diện phải di dời để nhường đất cho Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 37 hộ vào khu TĐC để ở, các hộ còn lại vẫn bám trụ tại nơi ở cũ do khu TĐC chưa hoàn thiện hạ tầng.
"Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về đây chúng tôi cũng kiến nghị, vẫn chưa thay đổi được điều gì. Người dân ở đây bức xúc khi phải sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề thế này", ông Cường chia sẻ.
Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được khởi công xây dựng từ năm 2003. Với diện tích khoảng 1.000ha, gồm 13 dự án thành phần, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 7.230 tỷ đồng và tiến độ dự kiến hoàn thành năm 2015 (nay đã tăng lên 25.872,179 tỷ đồng). Ngày 19/5/2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển Ban Giám đốc lên làm việc tại Hòa Lạc và hiện có khoảng 6.000 sinh viên học tập tại đây.
Sau hơn 20 năm triển khai, hầu hết các dự án thành phần của Dự án này đều đang dở dang, chậm tiến độ so với kế hoạch. Riêng khu TĐC dự kiến bố trí cho khoảng 500 hộ dân đến ở hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (điện, nước, đường) chưa xong nên nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường, đã bốc thăm tái định cư nhưng chưa chuyển vào sinh sống. Dự án nghìn tỷ này vẫn chưa biết đến bao giờ mới về đích, dù đã chậm 10 năm so với tiến độ.
Minh Châu