Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa kí Quyết định số 100/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Khánh Hòa cần phải dự kiến nhu cầu vốn đến năm 2030 là khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng để GRDP trung bình của tỉnh này đạt 8,3% trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030. Cụ thể, nguồn vốn khu vực Nhà nước chiếm 153.000 tỷ đồng; nguồn vốn khu vực ngoài Nhà nước là 661.000 tỷ đồng; nguồn vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 204.000 tỷ đồng.
Khánh Hòa nhìn từ trên cao.
Để thúc đẩy thu hút đầu tư, Khánh Hòa cần tiến hành rà soát, lập mới và điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn cùng các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn theo quy định pháp luật, đảm bảo sự đồng bộ và nhất quán với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, cần huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương và địa phương, đồng thời xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn qua từng giai đoạn. Ưu tiên tập trung vào các công trình trọng điểm, có vai trò kết nối và tạo động lực phát triển, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ.
Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào sử dụng các dự án giao thông quan trọng đang triển khai, như cao tốc và các tuyến đường liên vùng, nhằm thúc đẩy kết nối và phát triển bền vững cho toàn khu vực. Không những vậy, nghiên cứu đầu tư dự án cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) để bổ sung trục kết nối Đông - Tây giữa tỉnh Khánh Hòa với khu vực Tây nguyên.
Các dự án trong 83 dự án dự kiến được ưu tiên đầu tư của tỉnh Khánh Hòa có 9 dự án do Nhà nước đầu tư bao gồm: đường sắt tốc độ cao đoạn TP Hồ Chí Minh - Nha Trang; nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương…
Về 74 dự án còn lại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực giao thông vận tải, lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, lĩnh vực y tế, lĩnh vực du lịch: Khu kinh tế Vân Phong; tuyến đường vành đai 3 thành phố Nha Trang (đoạn Nguyễn Tất Thành đến Võ Nguyên Giáp); dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Khoa học công nghệ đẳng cấp quốc tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Khu đô thị dịch vụ, du lịch cao cấp Tuần Lễ - Hòn Ngang, Khu du lịch cao cấp Đảo Điệp Sơn,...
Bản đồ hành chính tỉnh Khánh Hòa.
Với danh mục 83 dự án trọng điểm, trong đó có sự hỗ trợ từ Trung ương và nguồn lực đa dạng từ các khu vực kinh tế, Khánh Hòa đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh cần quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ, từ huy động nguồn vốn, hoàn thiện quy hoạch đến đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng yếu.
Khánh Hòa không chỉ cần sự quyết tâm của chính quyền địa phương mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Thành công của kế hoạch này sẽ không chỉ nâng tầm Khánh Hòa mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực Nam Trung Bộ và cả nước.
Thanh Ngân