Nỗ lực chuyển đổi xanh

Nỗ lực chuyển đổi xanh
5 giờ trướcBài gốc
Trong giai đoạn phát triển mới, cùng với cả nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh, Khánh Hòa đã và đang có những hành động quyết liệt để phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu về bảo vệ môi trường và thực hiện phát thải khí nhà kính về mức 0.
Đồng bộ cơ sở hạ tầng về môi trường
Khánh Hòa đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo định hướng của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngày 23-2-2022, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, trong đó đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2045, tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về bảo vệ môi trường và thực hiện phát thải khí nhà kính về mức 0”. Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09, đến đầu năm 2024, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị toàn tỉnh đạt khoảng 92%; tỷ lệ xử lý chất thải y tế đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đạt 85%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,58%; tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt khoảng 90%.
Nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Cam Lâm.
Cùng với đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 17 hệ thống quan trắc nước thải tự động, 5 hệ thống quan trắc khí thải tự động do doanh nghiệp đầu tư lắp đặt và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, Nhà nước đầu tư 3 trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục (trong đó 1 trạm do Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư). Nhiều nhiệm vụ đã được tỉnh triển khai thực hiện nhằm tăng cường bảo vệ, kiểm soát môi trường, tài nguyên biển và hải đảo như: Điều tra, đánh giá hiện trạng và phân loại rác thải nhựa vùng ven biển và hải đảo trên địa bản tỉnh; Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030… Nhờ đó, Chỉ số xanh năm 2023 của tỉnh Khánh Hòa thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có điểm số cao trong cả nước về các chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh.
Phát huy tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo
Thạc sĩ Nguyễn Thế Lộc - Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công Nghệ) cho biết, Chính phủ đã quyết định chọn Khánh Hòa làm nơi đặt “Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương” khẳng định vai trò của tỉnh trong nghiên cứu và phát triển công nghệ đại dương, đặc biệt là năng lượng tái tạo, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh cũng như cả nước.
Khánh Hòa có bờ biển dài 385km với gần 200 hòn đảo và các vịnh: Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh tạo nên tiềm năng dồi dào cho phát triển năng lượng tái tạo từ điện gió ngoài khơi, năng lượng sóng, năng lượng mặt trời,... Cụ thể như: Khu vực Tu Bông và Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) có tiềm năng gió mạnh, với tốc độ trung bình khoảng 6 - 7m/s, lý tưởng cho việc lắp đặt tua bin gió; gió ngoài khơi tốc độ trung bình 7 - 8m/s, phù hợp cho các dự án điện gió ngoài khơi. Tiềm năng năng lượng sóng ở vùng biển như Trường Sa được đánh giá cao, với biên độ sóng trung bình 1,5 - 2,5m, phù hợp cho các công nghệ khai thác năng lượng sóng. Tỉnh có khoảng 2.600 giờ nắng/năm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện mặt trời; cường độ bức xạ trung bình 5 - 6kWh/m²/ngày, lý tưởng cho việc lắp đặt hệ thống pin mặt trời, mang lại nguồn năng lượng bền vững.
Để phát huy được các nguồn năng lượng trên, tỉnh cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ, ưu tiên dự án điện gió ngoài khơi và năng lượng sóng; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương; thu hút và đào tạo kỹ sư, chuyên gia…
Xanh hóa các ngành kinh tế
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân, với những tiềm năng và lợi thế, tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng kế hoạch hành động đến năm 2045 phát thải ròng khí nhà kính tỉnh Khánh Hòa về mức 0”; khởi động Đề án "Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030" với mục tiêu trở thành đô thị bền vững, tiên phong trong giảm phát thải. Đề án đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc định hình tương lai, với mục tiêu trở thành một đô thị xanh, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, là nơi đáng sống và làm việc của mọi người. Đề án thống nhất áp dụng 62 chỉ tiêu, với 54 dự án thuộc 9 lĩnh vực: Công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, du lịch xanh, hạ tầng xanh, giao thông xanh, lối sống xanh, chính sách xanh, thương hiệu xanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Khu vực biển Bãi Dài.
Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp như: Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo; thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh xanh; phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, với thông điệp “nông nghiệp xanh, sản phẩm xanh, cuộc sống xanh”; duy trì mức độ che phủ rừng 46,5%; phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp quy hoạch điện quốc gia, bao gồm: Điện mặt trời, điện gió, thủy điện tích năng. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch xanh, ứng dụng công nghệ xanh thông minh; tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong quản lý hạ tầng đô thị. Trong lĩnh vực giao thông, tập trung phát triển các khu đô thị tích hợp giao thông công cộng; đầu tư xây dựng hệ thống đỗ xe thông minh; phát triển các giải pháp di chuyển dưới dạng dịch vụ; mở rộng các tuyến xe buýt phục vụ du lịch; tận dụng hệ thống đường thủy để giảm tải giao thông đường bộ; khuyến khích việc sử dụng xe buýt, ô tô, xe máy điện…
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính và tổng lượng phát thải khí nhà kính giảm 15% so với năm 2022; tiêu dùng năng lượng cuối cùng/GRDP giảm 1,5%/ năm.
THÁI THỊNH
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202501/no-luc-chuyen-doixanh-adb1803/