Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Động lực phát triển hạ tầng nhưng gặp nhiều thách thức

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Động lực phát triển hạ tầng nhưng gặp nhiều thách thức
4 giờ trướcBài gốc
Động lực phát triển hạ tầng đường sắt cho Việt Nam
Theo Chính phủ, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là một công trình giao thông trọng điểm, được Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu vận tải theo hướng hiện đại, bền vững.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài 390,9 km, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, với tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,369 tỷ USD).
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại với khổ đường 1.435 mm, áp dụng công nghệ điện khí hóa nhằm nâng cao hiệu suất vận hành và bảo vệ môi trường. Tốc độ thiết kế của tuyến chính đạt 160 km/h, đoạn qua Hà Nội là 120 km/h, còn các tuyến nhánh đạt 80 km/h.
Hệ thống kết cấu tuyến bao gồm 29% cầu, 7% hầm và 64% nền đất, tối ưu hóa địa hình, giảm tác động môi trường và hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng. Dự án sẽ có 18 nhà ga, bao gồm 3 ga lập tàu và 15 ga hỗn hợp, cùng với 13 trạm kỹ thuật hỗ trợ vận hành khai thác. Đặc biệt, hệ thống nhà ga được bố trí để đảm bảo kết nối hiệu quả với mạng lưới đường sắt trong nước và tuyến liên vận quốc tế qua ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Ngoài ra, dự án còn có các công trình kỹ thuật quan trọng như đề-pô tàu hàng tại ga Yên Thường, đề-pô tàu khách tại Yên Viên, cùng hai trạm chỉnh bị đầu máy, toa xe tại ga Lào Cai mới và ga Nam Hải Phòng.
Về lợi ích kinh tế - xã hội, Chính phủ cho rằng, Dự án khi hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp nâng cao năng lực vận tải hàng hóa và hành khách, thúc đẩy thương mại giữa khu vực Tây Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ và cảng biển Hải Phòng; hạn chế ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ; kích thích tăng trưởng ngành công nghiệp đường sắt và công nghiệp hỗ trợ; tạo thêm việc làm cho hàng chục nghìn lao động; công nghệ điện khí hóa giúp giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với định hướng phát triển giao thông xanh của Chính phủ…
Dù có nhiều lợi ích, dự án cũng đối diện với thách thức trong khai thác. Thực tế, nhiều tuyến đường sắt tại Việt Nam sau khi hoàn thành gặp khó khăn trong vận hành do thiếu kế hoạch khai thác hợp lý. Vì vậy, cần một chiến lược vận hành hiệu quả, kết hợp giữa vận tải hành khách và hàng hóa, đồng thời xây dựng mô hình kinh doanh bền vững để đảm bảo doanh thu duy trì hệ thống.
Nhân lực cũng là vấn đề quan trọng, khi ngành đường sắt Việt Nam vẫn thiếu chuyên gia có trình độ cao để vận hành các hệ thống hiện đại. Do đó, Chính phủ cần đầu tư mạnh vào đào tạo nhân lực, hợp tác với các đối tác quốc tế để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tránh phụ thuộc vào nước ngoài trong vận hành và bảo trì.
Về nguồn vốn và quản lý tài chính, Dự án được tài trợ từ nhiều nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương và địa phương), vốn vay nước ngoài - chủ yếu từ Trung Quốc - và các nguồn vốn hợp pháp khác. Việc đầu tư công đòi hỏi sự kiểm soát tài chính chặt chẽ để đảm bảo tiến độ và tránh tình trạng đội vốn.
Việc vay vốn nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, tiềm ẩn rủi ro về phụ thuộc tài chính, điều kiện vay khắt khe và yêu cầu sử dụng nhà thầu, công nghệ nước ngoài. Do đó, cần có cơ chế giám sát minh bạch, ưu tiên doanh nghiệp trong nước tham gia thực hiện, đồng thời xây dựng lộ trình quản lý tài chính rõ ràng nhằm tránh những sai lầm từ các dự án đường sắt trước đây.
Theo kế hoạch, dự án sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025 và phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2030. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất là giải phóng mặt bằng. Dự án cần khoảng 2.632 ha đất, ảnh hưởng đến hơn 19.136 người dân, đòi hỏi chính sách tái định cư hợp lý để tránh tranh chấp và đảm bảo tiến độ.
Thủ tục hành chính cũng là một rào cản khi dự án cần sự phối hợp giữa nhiều bộ, ngành, địa phương để hoàn tất các bước phê duyệt. Kinh nghiệm từ các dự án hạ tầng lớn trước đây cho thấy nguy cơ chậm tiến độ và đội vốn rất cao nếu không có sự giám sát và điều hành quyết liệt ngay từ đầu…
Thách thức về nguồn vốn và hiệu quả kinh tế
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, dự án này có tổng chiều dài dự kiến khoảng 392 km, với vận tốc thiết kế từ 160 - 200 km/h. Với tầm quan trọng chiến lược, dự án này không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển vận tải hàng hóa và hành khách mà còn tác động sâu rộng đến tăng trưởng kinh tế, thương mại và liên kết vùng. Tuy nhiên, dự án cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về nguồn vốn, hiệu quả kinh tế và cơ chế thực hiện.
Tuyến đường sắt sẽ giúp giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường quốc tế qua cửa khẩu Lào Cai. Theo tính toán từ báo cáo thẩm tra, sản lượng vận tải hàng hóa ước tính đạt 10 triệu tấn/năm vào năm 2030, tăng lên 15 triệu tấn/năm vào năm 2040. Ngoài ra, tuyến đường sắt mới sẽ giúp giảm tải áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ, giảm tai nạn giao thông và cải thiện hiệu suất vận tải. Theo báo cáo thẩm tra, dự án dự kiến sẽ giảm khoảng 30% lưu lượng xe tải trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện hơn với môi trường so với vận tải đường bộ.
Tuy nhiên, tổng mức đầu tư của dự án được dự kiến lên đến 211.431 tỷ đồng, với các giai đoạn phân bổ ngân sách cụ thể. Chính phủ đề xuất huy động vốn từ ngân sách trong nước, vốn ODA và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Việc đảm bảo nguồn vốn ổn định trong thời gian dài là một bài toán khó, đặc biệt trong bối cảnh áp lực nợ công gia tăng.
Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của dự án cũng chưa thực sự rõ ràng khi trong 5 năm đầu khai thác, doanh thu chỉ đủ bù đắp chi phí vận hành và bảo trì, chưa tạo ra lợi nhuận đáng kể. Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 109,36 triệu USD cho bảo trì kết cấu hạ tầng trong 5 năm đầu, gây áp lực lên ngân sách.
Cơ chế chỉ định thầu và các chính sách đặc thù được đề xuất cần được giám sát chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, cần làm rõ mô hình quản lý và vận hành sau khi dự án hoàn thành để tránh phụ thuộc công nghệ nước ngoài và đảm bảo khai thác hiệu quả.
Các vấn đề pháp lý liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng cần được xử lý minh bạch để tránh gây bất ổn xã hội. Để đảm bảo dự án triển khai hiệu quả, cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để giảm gánh nặng lên ngân sách nhà nước và tận dụng nguồn vốn ODA với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, cần tối ưu hóa phương án khai thác và vận hành, nghiên cứu khả năng kết hợp giữa vận tải hành khách và vận tải hàng hóa để tối đa hóa doanh thu, đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp logistics, xuất nhập khẩu để đảm bảo lượng hàng hóa vận chuyển ổn định.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống giao thông của Việt Nam. Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư khổng lồ, những thách thức về nguồn vốn, hiệu quả kinh tế và cơ chế thực hiện cần được giải quyết một cách minh bạch, hiệu quả. Việc triển khai dự án phải đảm bảo không chỉ yếu tố kỹ thuật mà còn về tài chính và quản trị rủi ro, để tránh những bài học đắt giá từ các dự án hạ tầng trước đây. Nếu được thực hiện đúng hướng, dự án sẽ trở thành một cú hích quan trọng cho nền kinh tế và giao thông khu vực miền Bắc Việt Nam.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Trần Hương
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/du-an-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-dong-luc-phat-trien-ha-tang-nhung-gap-nhieu-thach-thuc-160456.html