Sửa đổi nhiều chính sách để thực hiện dự án
Ngày 14/5, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới”.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng đường sắt Việt Nam cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Xây dựng hiện đã xây dựng và trình 24 chính sách.
12 chính sách kế thừa gồm các nội dung quen thuộc như huy động nguồn lực, điều chỉnh kế hoạch đầu tư, khai thác quỹ đất, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, an toàn giao thông… Trong đó, khai thác quỹ đất dọc tuyến và phát triển công nghiệp phụ trợ được nhấn mạnh là yếu tố then chốt tạo động lực cho dự án và bù đắp chi phí đầu tư công.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Lê Khánh.
6 chính sách điều chỉnhliên quan đến bố trí vốn hoặc thời gian thi công, điều hành đội thi công. Lý do là Luật Đấu thầu vừa được sửa đổi năm 2024. Về đề xuất thực hiện phân chia dự án thành phần, sẽ thực hiện ngay từ bước nghiên cứu tiền khả thi, không phải sau khi phê duyệt chủ trương.
2 chính sách mới là điểm nổi bật trong nhóm chính sách mới là đề xuất cho phép sử dụng vốn ODA mà không phải nộp thuế đối với một số dịch vụ kỹ thuật đặc thù, mở rộng khả năng hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, một thay đổi mang tính bước ngoặt là: kỹ sư tư vấn – đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài sẽ được trao quyền quyết định kỹ thuật tại công trường, thay vì chờ phê duyệt từng bước từ chủ đầu tư. Điều này giúp tăng tính phản ứng nhanh, đặc biệt trong các quyết định liên quan đến kết cấu thép, vật liệu đặc biệt hay tình huống đột xuất trong quá trình thi công.
"Ngoài ra, tôi cũng đề xuất cơ chế hợp đồng linh hoạt: “hợp đồng theo công việc thực tế và đơn giá điều chỉnh”, nhằm tránh tranh chấp khi thực hiện dự án - một bài học rút ra từ các vướng mắc gần đây như tại Long Thành hoặc tuyến Metro số 3 Hà Nội
Cuối cùng, một chính sách được đánh giá là mang tinh thần cải cách thực sự: Miễn trừ trách nhiệm cho người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Trong bối cảnh nhiều cán bộ lo ngại trách nhiệm pháp lý, việc có một hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ người thực thi là điều kiện tiên quyết để dự án không bị chậm tiến độ chỉ vì sự "chần chừ có hệ thống", ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng đường sắt Việt Nam nói.
Doanh nghiệp Việt có thể đảm đương 70-80% khối lượng xây dựng
Ông Tạ Mạnh Thắng, Phó Ban Hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong bối cảnh Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghệ cao đang được sửa đổi theo hướng hỗ trợ khu vực tư nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tiếp cận các nguồn lực và công nghệ trong lĩnh vực đường sắt.
"Riêng với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến Hà Nội - Lào Cai, nhu cầu lao động cho vận hành đã có thể lên tới 20.000 người. Trong giai đoạn xây dựng, lực lượng lao động có thể lên đến 70.000 - 80.000 người, mang lại tác động tích cực tới thị trường lao động và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế: doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ lõi - đặc biệt là các hạng mục kỹ thuật cao. Do đó, vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng trong việc thiết kế chính sách chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực trong các hợp đồng EPC và PPP", ông Tạ Mạnh Thắng phân tích.
Cũng theo ông Thắng, bên cạnh chính sách, điều kiện tiên quyết là bản thân doanh nghiệp tư nhân phải xác định rõ hướng đi và lĩnh vực có thể đảm nhiệm thực chất, không chạy theo phong trào. Đặc biệt, liên kết giữa các doanh nghiệp là yếu tố sống còn để tạo nên sức mạnh tổng hợp, tiến tới phát triển bền vững trong lĩnh vực hạ tầng công nghệ cao như đường sắt.
Tại tọa đàm, ông Hồ Đức An, Giám đốc Kỹ thuật, Công ty CP FECON cho biết: "Nhìn vào các cấu phần của đường sắt tốc độ cao, từ nền đường, kết cấu cầu, hầm, nhà ga, hệ thống kỹ thuật, chúng tôi tin rằng doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đảm đương 70-80% khối lượng xây dựng".
Tuy nhiên, theo ông An để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam không hề nhỏ. Bởi việc thực hiện đòi hỏi công suất tổ chức vượt trội, khả năng phối hợp chuỗi cung ứng liên vùng và tiệm cận công nghệ thi công hiện đại nhất. Khoảng cách vẫn còn, và doanh nghiệp trong nước phải chủ động thu hẹp nó.
Để sẵn sàng cho cuộc chơi lớn, theo ông Hồ Đức An, đơn vị đã triển khai 4 nhóm hành động chiến lược: Thứ nhất, chúng tôi đã tham gia vào quá trình phát triển các chuỗi cung ứng, các nhà cung cấp phục vụ trong nước và quốc tế. Thứ hai, chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các nhà máy sửa chữa thiết bị và các nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn. Thứ ba, chúng tôi đã cử cán bộ, kỹ sư đi học hỏi trực tiếp tại nước ngoài, tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu và các khóa về quản lý dự án quy mô lớn để học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn trên thế giới. Thứ tư, chúng tôi cũng đã thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi tri thức để hiểu rõ về tính chất và yêu cầu kỹ thuật của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đồng thời chuẩn bị cho việc chuyển giao công nghệ thi công, đặc biệt là công nghệ thi công tiên tiến, để có thể thực hiện dự án một cách nhanh nhất.
Lê Khánh