Đề nghị Chính phủ thông tin về khả năng thu xếp, cân đối vốn
Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Các đại biểu đã đưa ra hàng loạt kiến nghị liên quan.
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tán thành dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam như tờ trình của Chính phủ đã nêu.
Theo đại biểu Mai, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án lớn nhất trong lịch sử với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD (1,7 triệu tỷ đồng) gần bằng tổng thu ngân sách trong một năm.
Ông Mai cho rằng dù trong tờ trình của Chính phủ đã nêu các số liệu về ngân sách để thực hiện dự án là rất tốt, đảm bảo an toàn. Song xuất phát từ thực trạng về những tồn tại về nguyên nhân khách quan, chủ quan của các dự án đầu tư công hiện nay, đại biểu Mai đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối đáp ứng nhu cầu vốn của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quốc hội.
Từ đó, đánh giá khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế, ảnh hưởng đến an toàn nợ công, để tính toán bội chi ngân sách, nợ công quốc gia, nợ nước ngoài…
Về an toàn nợ công, theo ông Mai đã tính đến việc tăng trần nợ vay của chính quyền địa phương ở các tỉnh thành phố được thí điểm cơ chế chính sách đặc thù hay chưa?
"Tôi muốn nêu làm rõ vấn đề này vì ngân sách còn nhiều khoản phải chi. Ngoài chi đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên, chi hàng năm theo kế hoạch trung hạn, chi theo các chương trình đề án", ông Mai nhấn mạnh.
Đại biểu Mai đưa ra dẫn chứng ngoài dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong lĩnh vực đường sắt theo kế hoạch sẽ đầu tư một số tuyến kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, cảng hàng không quốc tế, tuyến đường sắt đô thị…
Ông Mai cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ riêng 4 tuyến đường khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, Lào tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 27 tỷ USD. Bên cạnh đó nhiều chương trình, dự án cần nguồn vốn hàng tỷ USD, như phấn đầu hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến năm 2030, 10.000 km vào năm 2045 hay các giai đoạn tiếp theo của sân bay Long Thành, các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Về tiến độ thực hiện dự án và tổ chức thực hiện, ông Mai băn khoăn việc triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vốn tăng cao, kéo dài thời gian hoàn thành so với phê duyệt ban đầu, khi triển khai các dự án nguyên vật liệu vẫn thiếu, giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến không đáp ứng tiến độ thi công của dự án.
Từ đó, ông Mai đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ đánh giá từng vấn đề cụ thể, chi tiết để có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại này để hoàn thành dự án đúng kế hoạch.
Liên quan đến thu hút đầu tư, theo ông Mai cần quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước. Điều này vừa để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, vừa để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nước ngoài, nội địa hóa mức tối đa, từ đó giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài.
"Dự án thực hiện đầu tư công 100% nhưng không có nghĩa là Nhà nước thực hiện tất cả công việc. Nhà nước đặt hàng các nhà đầu tư tư nhân có năng lực trong những ngành nghề có liên quan", ông Mai nói.
Ông Mai cho rằng nên thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào làm đầu tư xây dựng nhà ga, các dịch vụ hỗ trợ khác vì họ làm rất tốt. Điều này đã thực hiện trong lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy.
Trong nguồn lực huy động đầu tư cho dự án, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị tính đến việc huy động sức dân vì nguồn lực trong dân là rất lớn. Nếu phát hành trái phiếu với một lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẵn sàng mua. Ngân sách chưa đủ thì đi vay nhưng vay trong dân tốt hơn vay nước ngoài vì lợi nhuận người dân sẽ hưởng.
Tránh ôm đồm chức năng cho đường sắt tốc độ cao, dễ dẫn đến lãng phí
Trong khi đó, đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn Phú Yên cho rằng, không nên đặt vấn đề đường sắt tốc độ cao phải đóng vai trò vận tải hàng hóa là chủ yếu.
Theo đại biểu Xuân, để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, đường sắt tốc độ cao phải đóng vai trò lưỡng dụng.
Đại biểu Lê Đào An Xuân. Ảnh: Quốc hội.
Đại biểu Xuân đề nghị làm rõ phương án lưỡng dụng khi xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, tránh ôm đồm chức năng cho đường sắt tốc độ cao, dễ dẫn đến lãng phí.
Bà Xuân cũng đề nghị Chính phủ quy định tỉ lệ nội địa hóa một số hạng mục trong chủ trương phù hợp với chính sách đặc thù về phát triển đường sắt và chuyển giao công nghệ thay vì chỉ nêu ưu tiên đặt hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tương tự, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng tán thành với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam.
Theo ông Hạ, đây là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.
Về tổng thể quy hoạch, đại biểu Hạ đề nghị cân đối có sự hài hòa giữa các loại hình giao thông đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Bởi hiện nay có những khu vực, dải miền Trung hầu như tỉnh nào cũng có cảng hàng không. Do đó, cần tính toán việc khai thác các cảng hàng không, đường bộ và đường thủy không bị lãng phí.
Về khả năng cân đối nguồn vốn, ông Hạ cho biết dự án đang đặt trong tổng thể mục tiêu đến 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Với 6 năm còn lại khả năng cân đối nguồn vốn để vừa phát triển kinh tế - xã hội, các công trình dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia là một bài toán khó.
Ông Hạ cũng nhấn mạnh cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này.
Quỳnh An