Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam: Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam: Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước
6 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Nâng cao tính cạnh tranh trong lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm
Cơ bản tán thành với sự cần thiết của dự án, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có ý nghĩa quan trọng nhằm cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc đầu tư toàn tuyến vì với cự ly dưới 800 km, việc khai thác vận tải hàng không sẽ không hiệu quả và ưu thế thuộc về đường sắt tốc độ cao.
ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Theo đại biểu, với những địa phương thuộc khu vực miền Trung xác định du lịch là một trong các ngành kinh tế chủ lực, thì vào mùa du lịch, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, máy bay thì không nhiều sự lựa chọn và giá cao, di chuyển bằng đường bộ thì mất nhiều thời gian và thực tế đường sắt hiện hữu thời gian qua đã đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân vào mùa cao điểm.
Đại biểu Lê Đào An Xuân nêu rõ, trường hợp chúng ta đầu tư được toàn tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ giải quyết được toàn bộ nhu cầu vận tải này theo quy mô của nền kinh tế hiện nay và dự báo đến năm 2027 với tiến độ thực hiện và bố trí vốn như đề xuất của dự án. Cùng với đó, với cách thức điều hành mạnh mẽ, quyết liệt và kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện các dự án quan trọng quốc gia trong thời gian vừa qua, thì việc cân đối nguồn lực để đầu tư dự án và việc hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào năm 2035 là khả thi.
Hơn nữa, dự án được triển khai với công nghệ sử dụng điện sẽ là bước thay đổi lớn sang hình thức giao thông xanh trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cam kết phấn đấu đạt đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Quan tâm đến việc tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào triển khai dự án, đại biểu Lê Đào An Xuân thấy rằng, việc thực hiện dự án là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nâng cấp công nghệ để cung cấp thiết bị phục vụ thi công, vận hành, bảo trì tuyến đường sắt tốc độ cao. Nhiều doanh nghiệp cũng đã trình bày mong muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng liên quan đến dự án.
Do vậy, đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị giao Chính phủ quy định tỷ lệ nội địa hóa một số hạng mục trong chủ trương đầu tư phù hợp với chính sách đặc thù số 8 về phát triển công nghệ công nghiệp đường sắt và chuyển giao công nghệ, thay vì chỉ nêu là ưu tiên đặt hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Xuất phát từ thực tế một số dự án quan trọng quốc gia sau khi được Quốc hội thông qua đã phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến phải xin điều chỉnh lại chủ trương đầu tư, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị Chính phủ quan tâm tới sự đồng bộ trong quy hoạch, nhất là quy hoạch rừng, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và việc phân bổ, khoanh vùng đất đai cho Dự án tại các quy hoạch tỉnh của địa phương có Dự án đi qua, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hệ thống giao thông...
“Các quy hoạch phải bảo đảm kết nối đồng bộ để việc gom và giải tỏa hàng hóa được thuận lợi, nhằm phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí đi lại và chi phí logistics”, đại biểu nhấn mạnh.
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Cũng quan tâm tới vấn đề quy hoạch, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị, trong quy hoạch của ngành giao thông vận tải, cần bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bộ.
Bởi lẽ, thực tế có những khu vực hầu như tỉnh nào cũng có sân bay. Do vậy, nếu đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam thì cũng cần tính toán để những tuyến đường hàng không, đường bộ, đường thủy không bị lãng phí, đại biểu nêu rõ.
Bảo đảm tiếp nhận chuyển giao công nghệ
Góp ý về việc lựa chọn công nghệ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhận thấy, mặc dù Chính phủ đã đề xuất công nghệ chạy trên ray, công nghệ đoàn tàu động lực phân tán với tàu khách, tàu hàng áp dụng công nghệ động lực tập trung, thông tin tín hiệu áp dụng như một số nước.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ công nghệ theo khung tiêu chuẩn nào? Tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu? Đặt câu hỏi này, đại biểu cũng đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải có định hướng lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải bảo đảm tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Cùng với đó, đề án phát triển công nghiệp cần xây dựng lộ trình và nguồn lực cụ thể để bảo đảm việc chuyển giao và tiếp nhận công nghệ phù hợp với tiến độ dự án.
Về tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng thấy rằng, hồ sơ dự án đã nêu vấn đề này nhưng thực tế việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực thường gắn với quá trình chuẩn bị dự án, đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị, phương tiện…
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, trong giai đoạn tiếp theo, các khoản mục chi phí liên quan đến chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cần được chi tiết, gắn trách nhiệm cụ thể của các chủ thể tham gia dự án để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực cho lĩnh vực này trong tổng thể phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực mới nổi, đổi mới sáng tạo…
Thanh Chi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-tren-truc-bac-nam-tang-cuong-su-tham-gia-cua-cac-doanh-nghiep-trong-nuoc-post396917.html