Quang cảnh phiên làm việc chiều 7/11. (Ảnh: Nghĩa Đức).
Không để giá điện tăng cao như hiện nay
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) dẫn chứng, điểm b khoản 4 Điều 33 dự thảo Luật quy định: “Trước khi đầu tư nguồn điện tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị mua điện về tỷ lệ sản lượng điện dư và giá bán điện dư theo quy định của pháp luật. Đơn vị mua điện căn cứ nhu cầu và điều kiện vận hành hệ thống điện để quyết định việc huy động sản lượng điện dư”. Hay tại điểm c khoản 4 Điều 33 dự thảo Luật quy định: “Bên bán điện chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống đo đếm nếu bên bán điện lựa chọn phát sản lượng điện dư”.
Theo ĐB Nguyễn Duy Thanh, giữa doanh nghiệp và điện lực là phải hợp tác bình đẳng, đề nghị bỏ các cụm từ: “có trách nhiệm” và “chịu trách nhiệm’’ trong dự thảo.
Nhu cầu về điện ngày càng tăng cao, nhưng dự thảo thắt chặt, kiểm soát nguồn cung cũng như quy định nhiều giấy phép (như quy định tại Điều 47 của dự thảo) sẽ đẩy giá điện tăng cao như hiện nay, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.
Còn ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho biết, dự thảo Luật chỉ quy định về điều kiện cấp mới trong các lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; các trường hợp cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể. Do đó, ĐB đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với các đối tượng áp dụng mua bán điện theo DPPA (hợp đồng mua bán điện trực tiếp), phân phối, kinh doanh điện trong khu, cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, điều chỉnh khoản 3 Điều 50 dự thảo Luật theo hướng xem xét, bổ sung quy định rõ hạng mục công trình chính được nghiệm thu đưa vào khai thác áp dụng cho các khu, cụm công nghiệp, đơn vị có đường dây kết nối riêng đến các dự án năng lượng tái tạo. Do các khu, cụm công nghiệp được phân kỳ đầu tư và cáp điện theo nhu cầu của nhà đầu tư/khách hàng sử dụng điện, tránh việc xin cấp bổ sung phạm vi hoạt động nhiều lần.
Sẽ tăng cường phân cấp quản lý ngân sách
Sáng cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước (NSNN); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình một số vấn đề. (Ảnh: Nghĩa Đức)
Góp ý về việc sửa đổi Luật NSNN, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) cho biết, trong hồ sơ, Chính phủ trình kèm theo các dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, đây là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến quản lý, điều hành ngân sách nên Chính phủ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, không luật hóa nghị định, thông tư. Đồng thời, cần cân nhắc việc quy định quá linh hoạt có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn trong quản lý tài chính, ngân sách, có thể rủi ro cho cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ trong điều kiện hệ thống chính sách chưa thực sự đồng bộ, thống nhất như hiện nay.
ĐB cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các luật liên quan, sửa toàn diện Luật NSNN, nghiên cứu nội hàm để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương không mang tính dàn đều mà ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, lĩnh vực kinh tế ngành trọng yếu của quốc gia, lĩnh vực kinh tế có thể khai thác hiệu quả nguồn lực cho NSNN, phát huy tối đa nguồn lực của địa phương và khu vực ngoài nhà nước, đồng thời tạo điều kiện chủ động cho việc điều hành ngân sách của địa phương…
Phát biểu giải trình ý kiến của các ĐB, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật và trình QH để ban hành. Về Luật NSNN, Phó Thủ tướng cho biết, Luật NSNN được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những “điểm nghẽn”, những khó khăn, vướng mắc trong thời hạn ngắn. Còn trong nhiệm kỳ tới sẽ sửa Luật NSNN theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách để tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, việc sửa đổi Luật NSNN và Luật Đầu tư công đã được các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi trong thực tiễn. Luật Đầu tư công (sửa đổi) đặt mục tiêu tăng cường tính khoa học và hiệu quả trong quản lý đầu tư công, đồng thời bảo đảm cân đối tài khóa. Việc quy định chặt chẽ kế hoạch đầu tư công trung hạn và tạo cơ chế linh hoạt cho việc bố trí vốn bổ sung sẽ giúp tránh tình trạng lãng phí, thất thoát vốn và bảo đảm các dự án đầu tư được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng…
T.Quyên