Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết: Các nước trên thế giới hiện nay đa số sử dụng khổ đường 1.435mm, đường sắt Việt Nam chủ yếu vẫn duy trì khổ đường 1.000mm.
Tại Thông báo số 157/TB-VPCP, về phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nhân lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ ban hành; hoàn thành trong tháng 6/2025.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý đối với kiến nghị của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng vốn điều lệ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định pháp luật để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Đáng chú ý tại Văn bản, Thủ tướng giao nhiệm vụ Bộ Xây dựng trong tháng 4 trình Chính phủ bổ sung cơ chế chỉ định thầu cho dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao bắc-nam để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong tháng 5. Bộ Xây dựng cần nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp sớm có ý kiến để Bộ Xây dựng ban hành nghị định về thiết kế tổng thể theo trình tự rút gọn trong tháng 4 về dự án này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2026 sớm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu.
Dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam có tổng chiều dài 1.541km từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, với tốc độ thiết kế 350 km/giờ. Tuyến đường sắt cao tốc này điểm bắt đầu ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Dự án được đầu tư mới kỹ thuật với khổ đôi 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và có khả năng vận tải hàng hóa khi cần thiết, đồng thời phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 1,713 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ 2025-2035.
Tại văn bản, Thủ tướng cũng đưa ra chỉ đạo với dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước trong tháng 4/2025 để tiến hành thẩm định cùng với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đáp ứng tiến độ khởi công vào tháng 12/2025. Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và khởi công các khu tái định cư của dự án trong năm 2025.
Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án, làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán Hiệp định khung về các nội dung liên quan đến Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng trong tháng 5/2025, ký kết Hiệp định vay trong tháng 11/2025 ngay sau khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao dự thảo và gửi Công thư của Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách lĩnh vực để hỗ trợ về vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho Dự án này.
Với tuyến đường sắt Hà Nội-Lạng Sơn, Hải Phòng-Hạ Long-Móng Cái, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chuẩn bị hồ sơ để sớm triển khai đồng bộ các dự án này.
Với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 2 địa phương này khẩn trương triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15: chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ công việc triển khai các cơ chế chính sách áp dụng cho hai thành phố và ban hành kế hoạch riêng của mỗi thành phố thuộc thẩm quyền của địa phương; hoàn thành trong tháng 5/2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rà soát kế hoạch triển khai các tuyến, xác định rõ phương án huy động nguồn vốn cho từng dự án.
Bộ Tài chính hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án Tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội-Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyến số 2 đoạn Bến Thành-Tham Lương và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án.
KIM CƯƠNG