Ảnh: OP
Liberty Energy - công ty do đương kim Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright sáng lập - đang chuẩn bị cho một giai đoạn chững lại trong hoạt động khoan dầu đá phiến, bất chấp nỗ lực hết mình của Tổng thống Trump nhằm đưa nước Mỹ lên ngôi bá chủ dầu mỏ.
Tại hội nghị Super DUG, CEO Ron Gusek đã đưa ra một cái nhìn thực tế: "Tôi chắc chắn không thuộc phe dự đoán sẽ cắt giảm 100 giàn khoan… có lẽ chỉ trong khoảng 30 đến 40 giàn". Điều này tương đương với việc giảm khoảng 10 đến 15 đội fracking. Không phải là sụp đổ, nhưng cũng chẳng phải là một cuộc chạy đua khoan dầu.
Lý do là vì, trong khi khẩu hiệu “Khoan đi, khoan nữa, khoan mãi” của Tổng thống Trump có thể rất bắt tai trên sân khấu, thì các công ty khai thác đá phiến lại có quan điểm khác. Giá dầu nếu giao dịch quanh mức 70 USD/thùng - con số này không đủ cao để hỗ trợ cho một chiến dịch khai thác quy mô lớn một cách có trách nhiệm. Chính Gusek cũng từng nói với The New York Times vào đầu năm nay rằng, dù tâm lý chung là tích cực, nhưng "còn quá sớm để nói" liệu cú hích từ ông Trump có thực sự tạo ra chuyển biến về hoạt động khai thác hay không.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ đã chậm lại rõ rệt trong năm ngoái - chỉ tăng 300.000 thùng/ngày, so với mức tăng gấp ba lần của năm trước đó. Ngay cả Permian - "cỗ máy tăng trưởng cuối cùng" của nước Mỹ - cũng được kỳ vọng sẽ gánh phần lớn gánh nặng khi các khu vực khác bắt đầu chững lại.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã gắn kết tham vọng chính sách đối ngoại của mình với mục tiêu duy trì giá dầu rẻ. Ý tưởng là gì? Bơm ngập thị trường, kéo giá xuống, và buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề Ukraine. Nhưng giá thấp có thể sẽ gây thiệt hại cho ngành dầu đá phiến Mỹ nhiều hơn là ảnh hưởng đến Moscow.
Kỷ luật tài chính vẫn là nguyên tắc hàng đầu trong ngành khai thác đá phiến. Các nhà điều hành - từng bị "bỏng tay" trong quá khứ - giờ đây từ chối chạy theo sản lượng nếu không có sự hỗ trợ từ giá cả.
Bình An
OP