Cung vượt cầu, giá giảm 50%
Tại xã Trà Tân, thương lái thu mua khoai môn cao chỉ tím loại 1 với giá khoảng 13.000 đồng/kg. Trong khi đó, khoai môn sáp vàng có giá nhỉnh hơn là 15.000 đồng/kg. Với khoai loại 2, mức giá chỉ còn khoảng 4.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2024, giá khoai giảm gần 50%. Bên cạnh đó, năng suất hiện nay cũng không đạt như mong đợi. Mỗi ha chỉ thu được khoảng 15 tấn, thấp hơn so với năm 2024 với mức 17 tấn/ha. Nguyên nhân chính là nhiều vùng trồng ở các địa phương cùng thu hoạch vào một thời điểm. Tình trạng này thường gọi là “khoai đụng chợ”, khiến cung vượt cầu đẩy giá nông sản này xuống. Thêm vào đó, giá khoai năm 2024 đạt mức cao từ 26.000 - 30.000 đồng/kg nên người trồng mở rộng diện tích canh tác làm tăng áp lực nguồn cung trong năm nay.
Thu hoạch khoai môn ở xã Trà Tân.
Bà Nguyễn Thị Suối, một hộ trồng khoai ở xã Trà Tân, chia sẻ: Giá khoai môn tím, sáp vàng trong năm 2025 giảm, khiến nhiều nông dân chỉ hòa vốn hoặc thậm chí lỗ công chăm sóc. Mặc dù các gia đình vẫn duy trì mô hình canh tác luân phiên để có sản lượng quanh năm, nhưng mức giá hiện tại chỉ đủ bù chi phí vật tư, phân bón, giống… mà không còn dư để tính đến công lao động.
Một số nông dân và thương lái tại Trà Tân kỳ vọng giá khoai sẽ nhích nhẹ trong thời gian tới. Mùa mưa khiến việc canh tác và thu hoạch ở nhiều nơi gặp khó khăn do đất ẩm, ngập úng, làm giảm sản lượng trong ngắn hạn và thu hẹp nguồn cung. Bên cạnh đó, dịp cuối năm là mùa cao điểm tiêu dùng khi các cơ sở chế biến, làm mứt, hàng sấy… bắt đầu thu mua mạnh từ tháng 10 để phục vụ tết. Tuy nhiên, khả năng giá cả phục hồi như năm ngoái là khó. Bởi khoai chủ yếu tiêu thụ nội địa, trong khi thị trường xuất khẩu sang Thái Lan như năm trước, thì thương lái này hiện vẫn chưa có động thái thu mua trở lại.
Cần bài toán căn cơ
Theo dữ liệu từ nền tảng thương mại quốc tế Volza, từ đầu năm 2024 đến tháng 4/2025, các quốc gia trên thế giới nhập khẩu khoảng 20.527 lô hàng khoai môn tươi. Với quy cách đóng gói 10 - 14 tấn/lô, ước tính tổng khối lượng khoai môn tươi nhập khẩu khoảng 205.000 đến gần 287.000 tấn. Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất, với khoảng 9.500 lô, tương đương 95.000–133.000 tấn, tiếp theo là các quốc gia như Anh, UAE, Malaysia... Phần lớn lượng khoai được nhập dưới dạng củ tươi nguyên vỏ, chưa sơ chế. Các sản phẩm chế biến như khoai sấy, bột khoai hay snack khoai hiện có xu hướng tăng trưởng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Các quốc gia xuất khẩu khoai môn tươi gồm Ecuado, Trung Quốc, Ấn Độ…
Thực tế này cho thấy, nếu tận dụng tốt cơ hội thị trường, nâng cao chất lượng vùng trồng khoai môn, thì hoàn toàn có khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Việc xây dựng vùng trồng khoai môn đạt chuẩn GlobalGAP không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo điều kiện ký kết các hợp đồng tiêu thụ ổn định, dài hạn. Để làm được điều đó, cần hình thành việc liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ theo chuỗi khép kín.
Nếu không có giải pháp căn cơ, lâu dài, bài toán “được mùa mất giá” sẽ là nỗi lo thường trực với đời sống người trồng khoai. Khi nông dân cùng đồng lòng chuyển đổi theo hướng này, khoai môn không chỉ tránh được cảnh mất giá khi được mùa, mà còn có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế, mang lại nguồn thu nhập bền vững hơn.
TRANG HIẾU