Du học nghề - lối rẽ ngoài đại học

Du học nghề - lối rẽ ngoài đại học
11 giờ trướcBài gốc
Du học nghề ngành Điều dưỡng - một trong những ngành học thu hút nhiều học sinh Việt Nam hiện nay. Ảnh minh họa
Đây là lựa chọn mới, mang tính thực tiễn, thay vì con đường đại học vốn được xem là “truyền thống”.
Rẽ hướng tạo bước ngoặt
Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trong khi bạn bè vội vã hoàn tất hồ sơ xét tuyển đại học, Trần Mai Anh (tại Đồng Tháp) lại dành thời gian hoàn thiện giấy tờ xin visa đi Đức để học nghề ngành Điều dưỡng. “Em nghĩ đại học không phải con đường duy nhất. Em muốn vừa học vừa làm, có thể tự lập sớm và hỗ trợ lại cho ba mẹ”, Mai Anh chia sẻ. Từ năm lớp 11, Mai Anh đã theo học tiếng Đức tại một trung tâm du học tại TPHCM.
“Em chọn nghề điều dưỡng vì có nhu cầu tuyển dụng cao ở Đức, mức thu nhập ổn định, đồng thời phù hợp với tính cách nhẹ nhàng, chăm sóc người khác. Chi phí học nghề thấp hơn nhiều so với du học bậc đại học, nhưng phải tự học nhiều và kiên trì. Không dễ nhưng có tương lai rõ ràng”, Mai Anh nói.
Tương tự, Trần Quốc Khánh (21 tuổi), từng là sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia TPHCM). Lên năm thứ 3, Khánh bỏ dở đại học để theo học tiếng Đức.
“Lúc đầu chọn ngành vì thấy ‘hot’, nhưng vào học thì choáng vì lập trình khó. Em nghe nhiều anh chị than thở chuyện ra trường khó xin việc, hoặc phải cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, học nghề tại Đức có lộ trình rõ ràng, vừa học vừa được trả lương, sau 3 năm có thể ở lại làm việc và định cư”, Khánh cho biết.
Tại Đức, chương trình du học kép (vừa học vừa làm) nổi bật với mô hình 3 năm vừa học lý thuyết tại trường, vừa làm thực hành tại doanh nghiệp. Học viên không phải đóng học phí, thậm chí được trả lương từ 900 - 1.200 euro/tháng (khoảng 25 - 35 triệu đồng), đủ để tự trang trải chi phí sinh hoạt. Sau tốt nghiệp, phần lớn được giữ lại làm việc và có cơ hội định cư.
Ở Nhật Bản, chương trình kỹ năng đặc định (Tokutei Gino) triển khai từ năm 2019 nhằm thu hút lao động kỹ thuật có tay nghề từ các nước. Việt Nam là một trong những nước có số lượng lớn du học sinh nghề và thực tập sinh kỹ năng tại Nhật. Các ngành phổ biến là điều dưỡng, cơ khí, nhà hàng, nông nghiệp, xây dựng…
Tại Hàn Quốc, chính phủ đang đẩy mạnh chính sách tiếp nhận du học sinh nghề trong lĩnh vực khách sạn, thẩm mỹ, nấu ăn, điện tử… Lợi thế là môi trường gần gũi văn hóa với Việt Nam, chi phí du học thấp hơn hệ đại học, học viên có thể làm thêm, tích lũy thu nhập khi còn đang học.
Những câu chuyện của Mai Anh và Quốc Khánh không còn cá biệt, mà phản ánh xu hướng ngày càng rõ nét trong giới trẻ là du học nghề tại các nước phát triển. Nơi những chương trình đào tạo kép mang lại nhiều lợi ích thiết thực, mở ra con đường sự nghiệp bền vững hơn.
Trước đây, việc sinh viên bỏ học giữa chừng để chuyển hướng sang học nghề thường bị coi là sự “đứt gánh” hay thất bại. Tuy nhiên, quan niệm này dần thay đổi. Nhiều bạn trẻ nhận ra việc chạy theo ngành “hot”, chọn ngành theo phong trào hoặc để làm vừa lòng cha mẹ dễ dẫn đến tình trạng học đối phó, thiếu đam mê và không có định hướng rõ ràng. Chính sự nhận thức này đã thôi thúc học sinh mạnh dạn tìm kiếm con đường phù hợp hơn với bản thân và du học nghề đang nổi lên như lựa chọn đầy hứa hẹn.
Sự chuyển dịch này không chỉ đến từ bản thân người học, mà còn nhận được đồng thuận ngày càng cao từ phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ dần nhận ra, trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động hiện nay, việc có nghề trong tay và năng lực thực sự mới là nền tảng vững chắc để con cái phát triển bền vững.
Chị Trần Thị Lệ Quyên (TPHCM), có con học tiếng Nhật để chuẩn bị du học nghề, chia sẻ: “Lúc đầu, tôi muốn con học đại học. Nhưng cháu học không nổi, lại chán ngành đã chọn. Sau khi nghe bạn bè giới thiệu về chương trình học nghề ở Nhật, tôi cho cháu thử. Bây giờ, cháu chăm học ngoại ngữ, biết lo toan và lên kế hoạch rõ ràng”.
Học sinh tham gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2025 tại TPHCM. Ảnh: Lê Nam
Lựa chọn nghiêm túc
Chị Châu Nguyệt Huỳnh - giáo viên tiếng Đức tại một trung tâm tư vấn du học tại TPHCM khẳng định, hiện nay, động lực học tiếng Đức của học sinh Việt tăng rõ rệt, đặc biệt ở nhóm muốn du học nghề. Học viên không còn học vì phong trào, mà có mục tiêu cụ thể về ngành học, mức lương, cơ hội định cư. Tuy nhiên, theo cô Huỳnh, không phải ai cũng kiên trì với hành trình này.
“Có 2 kỹ năng khiến học sinh nản nhất là nghe và nói. Vì tiếng Đức có âm điệu, ngữ âm lạ, tốc độ nói nhanh nên nhiều bạn sốc khi nghe người bản xứ. Tâm lý sợ sai, ngại giao tiếp cũng là rào cản lớn. Với bạn có nền tiếng Anh ổn, thường có lợi thế, vì cấu trúc và từ vựng tiếng Đức nhiều điểm tương đồng tiếng Anh, giúp việc học ngôn ngữ mới nhẹ nhàng hơn”, cô Huỳnh cho hay.
Ngoài ngôn ngữ, cô Huỳnh nhấn mạnh yếu tố tâm lý và kỹ năng sống: “Khi sang Đức, các bạn phải tự lo cho mọi thứ, từ việc đi lại, nấu ăn, chi tiêu đến làm việc đúng giờ. Kỹ năng tự lập, giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống rất quan trọng. Không thể thiếu hiểu biết về văn hóa Đức để tránh sốc và hòa nhập tốt. Hãy tìm hiểu từ sớm, học nghiêm túc và tin vào lựa chọn của mình”.
ThS Trần Nam - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, để chọn con đường phù hợp sau khi học THPT, học sinh cần hiểu rõ bản thân, từ đó đưa ra lựa chọn đúng, dù học đại học, học nghề hay du học nghề.
“Học sinh cần suy xét thấu đáo để nhận biết bản thân đầy đủ và đúng nhất. Chỉ khi đó, bạn mới biết mình là ai, cần gì, phù hợp với ngành nghề nào và nên học ở đâu. Đừng chọn ngành học chỉ dựa vào hình ảnh bề ngoài hay lời khuyên một chiều. Ngành học nếu còn đào tạo ắt hẳn còn nhu cầu trong xã hội nhưng để có công việc tốt, thu nhập ổn, khả năng thăng tiến và hạnh phúc với ngành, nghề thì những điều này còn bắt nguồn từ chính người học”, ThS Nam nói.
Ông Nam nhấn mạnh, đại học không phải cánh cửa duy nhất sau khi tốt nghiệp THPT. Học sinh cần đủ bản lĩnh để không bị chi phối bởi số đông hay sự tô hồng, mà phải nhìn nhận con đường sự nghiệp một cách thực tế và phù hợp với chính mình.
“Trường đại học là nơi cho ta hành trang, còn đi xa đến đâu trên hành trình dài thì sinh viên là người quyết định. Trong xã hội hiện đại, để thành công trong sự nghiệp, chuyên môn vững chắc và thái độ chuẩn mực mới là yếu tố nền tảng của thành công”, ThS Trần Nam gửi lời khuyên.
Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tại Đức hiện chiếm khoảng 22,4% dân số (theo Eurostat, 12/2024), con số này dự báo còn tăng trong những năm tới. Tình trạng già hóa nhanh chóng đang khiến quốc gia này thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề.
Báo cáo từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (IW Cologne) cho thấy, mỗi năm Đức cần thêm khoảng 537.000 công nhân để duy trì nền kinh tế, đặc biệt ở các ngành điều dưỡng, kỹ thuật, nhà hàng - khách sạn... Trước thực trạng đó, mô hình du học nghề kép được Chính phủ Đức và các doanh nghiệp chú trọng đầu tư nhằm thu hút nhân lực trẻ từ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Thùy Linh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/du-hoc-nghe-loi-re-ngoai-dai-hoc-post738842.html