Du học sinh Trần Gia Khải (bên phải) cùng một người bạn Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh NVCC)
Tháng 11/2024, khi đặt chân đến Hà Nội để bắt đầu hành trình du học, Trần Gia Khải mang theo nhiều kỳ vọng về vùng đất mới. Điều cô không ngờ là Việt Nam để lại trong lòng mình một miền ký ức sâu lắng và đẹp đẽ đến thế.
Mỗi ngày là một trang nhật ký
Không chỉ là nơi học tập, Việt Nam còn chạm đến trái tim cô gái đến từ Quảng Tây bởi sự thân thiện, lòng hiếu khách với những điều nhỏ bé đầy ắp yêu thương.
Khi kể về hành trình học tập tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trần Gia Khải không giấu sự xúc động: “Mỗi ngày tại đây đều mang đến cho em những trải nghiệm mới mẻ và đáng nhớ”.
Điều khiến Trần Gia Khải ấn tượng nhất không chỉ là chương trình học mà còn là cách các thầy cô Việt Nam đồng hành cùng sinh viên.
“Các thầy cô luôn tận tâm giảng dạy, sẵn sàng dành thời gian hỗ trợ nếu chúng em muốn tìm hiểu sâu hơn. Em cảm nhận được sự kiên nhẫn, nhiệt huyết và một môi trường học tập rất gần gũi”, cô chia sẻ.
Không chỉ môi trường học tập, văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng để lại trong lòng cô gái Quảng Tây những cảm xúc sâu sắc. Trong số đó, món bún cá là ký ức đặc biệt nhất.
Cô kể lại: “Có lần em đi ăn tối khá muộn, chị chủ quán sợ bún không còn nóng nên đã vào bếp lấy thêm nước dùng. Cử chỉ nhỏ thôi nhưng khiến em cảm thấy rất xúc động. Từ đó, món bún cá gắn với một tình cảm thân thiết khó quên”.
Dần dần, Trần Gia Khải quen với các cô chú, anh chị ở những hàng quán ven đường - những nụ cười thân thiện, những lời hỏi han giản dị, nhưng đủ sưởi ấm trái tim một người trẻ xa nhà.
Không riêng Trần Gia Khải, Đàm Lộ Mật - một du học sinh Trung Quốc khác cũng đang theo học Thạc sĩ tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ rằng, Việt Nam là nơi lưu giữ những kỷ niệm khó quên trong đời.
Lộ Mật vẫn nhớ như in một buổi chiều tháng Ba – đúng vào Ngày quốc tế Phụ nữ - khi cô thong thả dạo bước trên một con phố Hà Nội. Trời se lạnh, gió khẽ lay những hàng cây đang thay lá. Trên phố, đâu đâu cũng là hoa: Những chàng trai trẻ cầm bó hoa tặng mẹ, các em nhỏ ôm bó hoa lớn hơn cả dáng người, bác xe ôm buộc hoa sau yên xe… Hương hoa và tiếng cười lan tỏa khắp phố phường.
“Khung cảnh ấy thật bình dị mà đẹp đến lạ. Tôi cảm nhận được Hà Nội là một thành phố rất lãng mạn, nơi tình yêu thương được thể hiện qua những điều nhỏ bé nhất”, cô chia sẻ. “Đó là một trong những kỷ niệm ấm áp nhất mà tôi luôn ghi nhớ về Việt Nam”.
Thời gian học tập tại đây không chỉ giúp Lộ Mật tích lũy kiến thức chuyên môn, mà còn là hành trình khám phá một lối sống mới - chậm rãi hơn, tình cảm hơn.
“Môi trường ở Việt Nam cởi mở và đa dạng. Tôi học được cách làm việc nhóm hiệu quả, biết lắng nghe và tôn trọng sự khác biệt. Nhịp sống nhẹ nhàng và giàu tình người nơi đây khiến tôi học cách quan tâm nhiều hơn đến những điều nhỏ bé xung quanh”, cô tâm sự.
Sự thấu cảm văn hóa
Từ Quảng Đông đến Hà Nội, Trương Minh mang theo khát vọng tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Đông Nam Á và nắm bắt những cơ hội hợp tác kinh tế đang mở rộng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chọn ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Hà Nội, anh xác định rõ mục tiêu: Trở thành cầu nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp hai nước.
Nhưng Hà Nội không chỉ mang đến tri thức. Với Trương Minh, những năm tháng học tập nơi đây còn là hành trình thấu hiểu và đồng cảm - từ những tiết học trên giảng đường đến các buổi chuyện trò cùng người dân phố cổ. Tinh thần hiếu khách, sự chân thành và nét văn hóa đặc trưng dần thấm sâu vào chàng sinh viên trẻ.
“Lần đầu ăn phở Hà Nội, tôi thực sự bất ngờ. Hương vị ấy như gói trọn sự tinh tế trong ẩm thực Việt Nam. Tôi nhận ra, để thành công trong môi trường này, không chỉ cần kiến thức mà cần cả sự thấu cảm văn hóa”, anh nhớ lại.
Tốt nghiệp, Trương Minh tiếp tục gắn bó với Việt Nam. Hiện anh đang làm việc tại một công ty thương mại quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh, phụ trách các dự án hợp tác giữa doanh nghiệp Việt-Trung. Với anh, câu nói của cô giáo hướng dẫn luận văn năm nào trở thành phương châm sống: “Muốn kinh doanh ở Việt Nam, phải hiểu trái tim người Việt trước”.
Những kỹ năng nghiên cứu thị trường học được từ giảng đường giúp ích nhiều trong công việc, nhưng điều quý giá nhất, theo Trương Minh, chính là sự am hiểu con người. “Tôi hiểu cách người Việt suy nghĩ, ứng xử và làm việc. Đó chính là lợi thế lớn nhất của tôi”, anh chia sẻ.
Du học sinh Đàm Lộ Mật (thứ hai từ phải) tại một sự kiện kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung, ngày 14/4. (Ảnh NVCC)
Ươm mầm hữu nghị
Năm 2025 là Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc. Cả Trần Gia Khải, Đàm Lộ Mật và Trương Minh đều tin rằng thế hệ trẻ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước.
Yêu văn hóa và đam mê ngôn ngữ, Trần Gia Khải ấp ủ giấc mơ trở thành phiên dịch viên để đưa những tác phẩm văn học, âm nhạc Việt - Trung đến gần nhau hơn. Theo cô, “có rất nhiều bài hát Việt Nam rất hay, nhưng do rào cản ngôn ngữ, nhiều người Trung Quốc chưa thể cảm nhận trọn vẹn. Em muốn trở thành người truyền tải cảm xúc ấy bằng ngôn ngữ chung của cả hai dân tộc”. Với Gia Khải, dịch thuật không chỉ là chuyển ngữ, mà là một cây cầu giúp hai dân tộc thấu hiểu và trân trọng giá trị văn hóa của nhau, đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói: “Văn hóa là linh hồn của một dân tộc”.
Còn với Lộ Mật, sau hành trình học tập tại Hà Nội, cô mong muốn tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực liên quan Việt Nam, trở thành một “sứ giả nhỏ” vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước.
Riêng Trương Minh, điều anh mong mỏi là có ngày được trở lại Hà Nội, gặp lại thầy cô và bạn bè - những người đã trở thành một phần thanh xuân ý nghĩa. Giờ đây, trên cương vị một nhân sự trong lĩnh vực thương mại quốc tế, anh hy vọng có thể góp phần kết nối doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy hợp tác thực chất và bền vững.
Với những người trẻ như Gia Khải, Lộ Mật và Trương Minh, năm 2025 không chỉ là một dấu mốc hợp tác giữa hai nước, mà còn là cơ hội để lan tỏa mạnh mẽ thông điệp: Thế hệ trẻ chính là lực lượng tiên phong trong việc xây dựng cầu nối bền chặt giữa hai dân tộc.
“Hãy tạo thêm thật nhiều cơ hội cho thanh niên hai nước được tiếp xúc, giao lưu văn hóa, học hỏi lẫn nhau – từ trại hè, trao đổi sinh viên đến các cuộc thi ngôn ngữ, hội thảo hay diễn đàn trực tuyến”, Lộ Mật đề xuất.
Trương Minh cho rằng, để thế hệ trẻ hai nước hiểu nhau sâu sắc hơn và cùng hướng tới tương lai hợp tác bền vững, cần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa - giáo dục một cách toàn diện và thực chất. Việc triển khai học bổng song phương cho sinh viên hai nước sẽ mở rộng cơ hội học tập, trải nghiệm và thấu hiểu lẫn nhau.
Khi người trẻ hiểu nhau, chia sẻ giá trị chung, tình hữu nghị giữa hai dân tộc sẽ được vun đắp một cách tự nhiên và bền vững - không chỉ bằng chính sách, mà còn bằng tình cảm chân thành từ trái tim.
Trong dòng chảy hợp tác ngày càng sâu rộng Việt Nam-Trung Quốc, chính những người trẻ, với sự chân thành, hiểu biết và gắn bó, đang dệt những sợi dây bền chặt, nối quá khứ với hiện tại, gắn kết hôm nay với mai sau.
Họ không chỉ là những “sứ giả” của tình hữu nghị, mà còn là niềm hy vọng lớn lao cho một tương lai hợp tác cùng phát triển, vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
AN NHIÊN