Anh Quản Đức Trọng học pha chế trước khi sang Úc du học. Ảnh: NVCC
Ngoài giờ học trên trường, các du học sinh Việt tìm đến các công việc bán thời gian ngoài giờ học với mong muốn trang trải cuộc sống. Ngoài các công việc bán thời gian thông thường, nhiều bạn trẻ lựa chọn học thêm nghề tay trái để làm thêm tại nước ngoài.
Mức sống đắt đỏ
Chị Đoàn Thị Hồng Anh (25 tuổi, du học sinh tại Hàn Quốc) chia sẻ, khi đang học năm thứ 2 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì nhận được học bổng đi du học tại Hàn Quốc. Không muốn bỏ lỡ cơ hội, chị Hồng Anh đã bảo lưu việc học đại học tại Việt Nam để sang nước ngoài.
Cú sốc đầu tiên khi học tập và sinh sống ở Hàn Quốc của nữ du học sinh này là giá cả và mức sống ở đây đắt đỏ hơn nhiều so với Việt Nam. Vì có học bổng nên Hồng Anh không mất tiền học phí. Tuy nhiên còn rất nhiều các khoản chi phí khác mà nữ du học sinh cần chi trả.
“Tiền thuê nhà là khoản tốn kém nhất. Mỗi tháng tôi phải chi 300.000 won (tương đương 5,4 triệu đồng). Chi phí đi lại cũng không thấp, khoảng 100.000 won (tương đương 1,7 triệu đồng). Về tiền ăn uống, mỗi tháng tôi chi khoảng 300.000 won. Ngoài ra còn các loại tiền khác mà du học sinh cần phải tính vào chi trả như: Y tế, liên lạc,… Trung bình một tháng, tổng chi tiêu của tôi khoảng 800.000 won (tương đương 13,2 triệu đồng)”, Hồng Anh chia sẻ.
Cũng giống như Hồng Anh, anh Quản Đức Trọng (29 tuổi, cựu du học sinh tại Melbourne, Úc) cũng đồng ý rằng sinh viên tại nước ngoài được hưởng đãi ngộ tốt, nhưng các khoản chi phí từ tiền học cho đến sinh hoạt đều rất đắt đỏ so với Việt Nam.
Anh Trọng cho biết, nếu du học sinh không chi tiêu tiết kiệm và đi làm thêm thì số tiền hàng tháng gia đình gửi sang chỉ là “muối bỏ biển”. Theo ước tính của Chính phủ Úc, học phí cho các khóa đại học, cao đẳng và sau đại học dao động từ 16.000 - 35.000 AUD/năm và có thể tăng lên hàng năm.
Ảnh minh họa INT.
Lựa chọn nghề tay trái
Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, hầu hết các du học sinh đều lựa chọn một công việc làm thêm ngoài giờ làm. Với lịch học 4 ngày/tuần, Hồng Anh cho biết, dành thời gian đi làm thêm vào những ngày còn lại.
Nữ du học sinh kể lại, thời gian đầu khi mới qua Hàn Quốc, cô xin làm thêm tại cửa hàng tiện lợi vì thời gian xoay ca linh hoạt phù hợp với việc học. “Tính chất công việc cũng không quá phức tạp, hầu hết chỉ là đứng bán hàng, sắp xếp hàng hóa,… Đổi lại mỗi giờ làm, tôi nhận được 7.000 won (tương đương 121.000 đồng).
Song, Hàn Quốc cũng có những quy định khắt khe về việc đi làm thêm của du học sinh. Đối với sinh viên cao đẳng và đại học, trong kỳ học chỉ được làm tối đa 20 giờ/tuần. Như vậy, tính ra tôi chỉ kiếm được khoảng 140.000 won/tháng (tương đương 2,4 triệu đồng). Số tiền này không đủ để tôi chi trả mức sinh hoạt phí tại Hàn Quốc”, Hồng Anh tâm sự.
Sau một thời gian, Hồng Anh nhận thấy tại Hàn Quốc nghề chăm sóc sắc đẹp nói chung và nghề trang điểm nói riêng rất phát triển. Khách hàng có thể bỏ ra vài triệu đồng để chi trả cho một lần trang điểm. Vì vậy ngoài thời gian học, Hồng Anh bắt đầu dành thời gian tìm hiểu về các kỹ thuật trang điểm. Cô bắt đầu từ các video dạy trang điểm trên mạng.
Trong thời gian về Việt Nam nghỉ hè, Hồng Anh đã đầu tư đi học một khóa dạy trang điểm chuyên nghiệp. Sau khi trang bị đầy đủ kiến thức và đồ nghề, quay trở lại Hàn Quốc, nữ du học sinh chính thức theo đuổi công việc trang điểm cá nhân.
“Những khách hàng đầu tiên của tôi chính là những bạn học cùng trường. Ở bên này, nếu thuê make-up artist (người làm nghề trang điểm – PV) chuyên nghiệp thì đắt đỏ lắm, thông thường dao động từ 100.000 - 200.000 won (tương đương 1,7 – 3,5 triệu đồng). Vì vậy mình lấy giá rẻ hơn, chỉ từ 60.000 won (tương đương 1 triệu đồng) và thêm phụ phí đi lại nếu khách hàng ở xa.
Tháng đầu tiên tôi chỉ có vỏn vẹn 3 khách, thế nhưng tính ra đã kiếm được số tiền nhiều hơn cả tháng đi làm tại cửa hàng tiện lợi rồi. Hiện nay thì tôi đã duy trì nghề trang điểm lưu động được gần 3 năm và có mức thu nhập rất ổn”, bạn trẻ này cho biết.
Tương tự, qua tìm hiểu, anh Quản Đức Trọng đã nhận thấy nghề Barista (nhân viên pha chế đồ uống) là công việc khá thú vị, phổ biến tại Úc, có thu nhập ổn định và thời gian linh hoạt, phù hợp với sinh viên vừa học vừa làm. Bên cạnh đó, nghề này phù hợp với ngành quản trị nhà hàng mà anh đang học theo học. Vì vậy anh Trọng đã lựa chọn “lận lưng” nghề pha chế trước khi sang Úc du học.
“Dù chỉ là công việc part-time nhưng Barista lại là ‘nghề vàng’ của không ít du học sinh khi sang Úc du học. Tại Úc, các tiệm cà phê mọc lên ở tất cả các con đường hay các ngóc ngách. Người Úc uống cà phê cả ngày, chứ không chỉ uống vào buổi sáng. Chính vì thế, cơ hội việc làm của du học sinh với nghề pha chế này cực kỳ rộng cửa.
Trung bình lương của một Barista dao động từ 15 - 22 AUD/giờ, mức lương có thể cao hơn tùy thuộc vào kinh nghiệm. Hồi còn học ở Úc, tôi đã có thể kiếm khoảng 2.000 AUD/tháng (khoảng 35 triệu đồng) nhờ công việc này. Thậm chí có năm tôi còn không về nghỉ hè, ở lại làm toàn thời gian, kiếm được 4.000 AUD (khoảng 70 triệu đồng)”, anh Quản Đức Trọng chia sẻ.
Anh Trọng cũng đánh giá, so với các công việc khác, nghề pha chế được xem là công việc tương đối nhẹ nhàng, môi trường làm việc sang trọng như: Nhà hàng, quán bar, quán cà phê… Công việc này cũng khá thú vị và được gặp gỡ rất nhiều người mỗi ngày. Từ đó dễ dàng trau dồi khả năng ngoại ngữ, hòa nhập văn hóa cộng đồng, hiểu hơn về bản sắc cũng như tính cách của người dân nơi đây.
Hà Trang