Du khách, người dân ấn tượng những công trình lịch sử tái hiện Ngày Giải phóng Thủ đô

Du khách, người dân ấn tượng những công trình lịch sử tái hiện Ngày Giải phóng Thủ đô
7 giờ trướcBài gốc
Để tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài nước hình dung, cảm nhận được không khí hào hùng Ngày Giải phóng Thủ đô 70 năm trước, bên cạnh tổ chức các sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa nhằm khơi dậy tình yêu dân tộc, tại phố Đinh Tiên Hoàng, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã dựng một số công trình lịch sử của Thủ đô. Hòa vào dòng người dạo bước Hồ Gươm trong những ngày Lễ, nhóm PV Báo Lao động Thủ đô đã ghi lại những cảm nhận của du khách, người dân về sự kiện này.
Chị Nghiêm Liên (Thanh Trì, Hà Nội): Củng cố thêm niềm tin của Nhân dân
Được biết Thành phố quyết định dừng bắn pháo hoa để tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn khi bão lũ vừa qua.
Thay vì không tổ chức hoạt động chào mừng hoành tráng, chỉ tổ chức mang tính giáo dục truyền thống lịch sử... để hướng sự quan tâm vào việc cứu trợ đồng bào gặp khó khăn do thiên tai cho thấy sự ưu tiên, sẻ chia, đồng cảm sâu sắc của thành phố Hà Nội đối với người dân, các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lụt.
Điều đó cho thấy lãnh đạo Thành phố luôn lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến phúc lợi xã hội, giúp củng cố niềm tin của người dân.
Chị Hoa Thúy Liễu (Cầu Giấy, Hà Nội): Những công trình làm sống dậy hào khí tháng Mười
Tôi là người dân sống ở Hà Nội, mặc dù không trải qua những tháng ngày lịch sử nhưng tôi được học lịch sử và trân trọng những chiến công của cha ông.
Mấy ngày hôm nay khu vực hồ Hoàn Kiếm rất đông, đặc biệt ngày hôm qua 6/10, nhiều du khách, người dân về chung vui với Thủ đô. Tôi cũng không bỏ lỡ khoảng khắc đặc biệt này, sáng sớm nay tranh thủ ra hồ Hoàn Kiếm để cảm nhận không khí này và chiêm ngưỡng những công trình lịch sử được tái hiện ở đây.
Tôi nhận thấy các mô hình công trình biểu tượng nhằm tái hiện cảnh đoàn quân tiên phong tiến về qua 5 cửa ô được bài trí rất đẹp. Những cái tên Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa được tái hiện, gợi nhắc về ký ức trường tồn trong lòng người Hà Nội và cả nước. Tôi như được sống lại không khí đông vui, nhộn nhịp của Hà Nội những ngày mùa thu lịch sử tại hồ Hoàn Kiếm những ngày này.
Chị Trịnh Thanh Huyền (Đường Bưởi, Hà Nội): Cây cầu của lịch sử hào hùng
Cầu Long Biên đã chứng kiến những dấu mốc quan trọng nhất của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến lớn nhất của dân tộc ta chính là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp đến là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Năm 1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, cây cầu đã trở thành nhịp dẫn đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với Bác, người dân vui và tự hào, hạnh phúc bao nhiêu thì cây cầu đều ghi lại giây phút đó.
Ngoài ra, tôi rất thích mô hình tàu điện Hà Nội xưa được dựng ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Các tuyến tàu điện thời đó được thiết kế hướng tâm - phía Bắc hồ Hoàn Kiếm, ngay gần Hàm Cá Mập, cũng chính là địa điểm được dựng mô hình hiện tại. Trong dòng chảy ngàn năm, đường sắt đô thị đã ghi dấu một phần trong đó, khẳng định sức sống mạnh mẽ, lâu bền.
Anh Lương Thanh Tùng (Tây Hồ, Hà Nội): Tái hiện một Đồng Xuân quả cảm 70 mùa Thu trước
Từ sáng tôi đã có mặt ở đây để chụp ảnh cho du khách và những người dân. Rất đông người chụp ảnh ở mô hình chợ Đồng Xuân. Theo tôi được biết, nổi bật nhất trong 60 ngày đêm Hà Nội rực lửa năm 1946, chợ Đồng Xuân ghi đậm dấu ấn quân và dân khu phố Đồng Xuân đã chiến đấu anh dũng, cầm chân và gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại nặng nề. Nhờ đó, góp phần bảo vệ cho cơ quan đầu não rút lui an toàn, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, cùng Thủ đô được giải phóng hoàn toàn vào ngày 10/10/1954.
Em Phí Hoàng Ngân và Chu Tường Vy (học sinh ở Hoàn Kiếm, Hà Nội): Càng thêm yêu Thủ đô
Ông bà em kể lại, sự kiện ngày 10/10/1954, hàng nghìn người đổ về xung quanh Cột cờ Hà Nội chờ đợi thời khắc lịch sử - lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh cột cờ, ghi dấu giây phút thiêng liêng trong lịch sử đó là ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng.
Những ký ức đẹp về ngày lịch sử cách đây 70 năm vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người có mặt tại thời khắc đó. Chúng em những thế hệ sau luôn tự hào và trân trọng hồi ức của cha ông. Dịp này, Hà Nội tái hiện Cột cờ Hà Nội ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cùng nhiều công trình lịch sử khác khiến chúng em thêm yêu lịch sử của Thủ đô, của đất nước.
Bà Nguyễn Thị Huệ (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh): Chỉ cần đến Hồ Gươm ngắm các công trình đã thấy lòng rất đỗi tự hào
Tôi vừa có chuyến đi từ thiện ở Lào Cai và trở về Hà Nội ngày hôm qua (6/10). Tôi là con gái xứ Bắc, năm 1952 gia đình chuyển vào Nam sinh sống, năm 1954 giải phóng Thủ đô, tiếc rằng lúc đó không được chung vui với niềm vui giải phóng Thủ đô.
Hà Nội hôm nay đẹp quá, đẹp tuyệt vời, nhất là các mô hình gắn với các chứng tích lịch sử tái hiện ở hồ Hoàn Kiếm khiến những người cao tuổi như chúng tôi càng thêm yêu Thủ đô, dù đi đâu xa cũng luôn hướng về Thủ đô.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao động Thủ đô, từ sáng sớm ngày 7/10, tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm có hàng loạt công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội được tái hiện và phục dựng như tàu điện, chợ Đồng Xuân, Cột cờ Hà Nội, Nhà hát Lớn, cầu Long Biên và 5 cửa ô lịch sử…
Bảo Thoa - Đỗ Đạt - Nguyễn Hoa (Thực hiện)
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/du-khach-nguoi-dan-an-tuong-nhung-cong-trinh-lich-su-tai-hien-ngay-giai-phong-thu-do-178703.html