Dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học: Quan điểm trái chiều

Dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học: Quan điểm trái chiều
4 giờ trướcBài gốc
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh từ ngày 6-5. Theo đề xuất, học sinh vi phạm sẽ bị xử lý theo từng cấp học: Bậc tiểu học có thể bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; bậc THCS và THPT có thể bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm.
Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) phạt học sinh vi phạm bằng cách đọc sách. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Trước đó, Thông tư 08/1988 nêu các hình thức kỷ luật học sinh gồm: Khiển trách trước lớp, trước trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần và đuổi học một năm.
Năm 2020, Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường học. Các hình thức phê bình trước lớp, trước trường đã bị bỏ. Mức kỷ luật cao nhất với học sinh là tạm dừng học có thời hạn, thường là 1-4 tuần.
Hướng đến kỷ luật tích cực
Bà Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM) ủng hộ bỏ hình thức đình chỉ học. Bà đồng tình với mức độ xử lý vi phạm trong dự thảo là nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.
“Đây là những hình thức kỷ luật tích cực, mang tính định hướng giúp học sinh chưa ngoan có điều kiện được giáo dục, nhận ra cái sai của mình từ đó sửa đổi. Học sinh ở lứa tuổi phổ thông cần phải được nhà trường giáo dục” - bà Hồng Anh nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp, TP.HCM) bày tỏ: “Ở lứa tuổi này, tâm sinh lý, suy nghĩ và những hành động của các em còn bồng bột. Khi học sinh vi phạm, người lớn, thầy cô, nhà trường phải tìm biện pháp chấn chỉnh, giáo dục để các em nhận ra sai lầm và sửa đổi. Việc Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học là nên làm” - bà Ánh nói.
Theo bà Ánh, năm ngoái tại trường xảy ra sự việc nhóm học sinh đánh nhau. Thay vì đình chỉ học tạm thời, trường vẫn tạo điều kiện để các em đi học. Tuy nhiên, cứ đến giờ ra chơi, các em sẽ đến thư viện đọc các sách về đạo đức, ghi lại cảm nhận khi đọc xong Sau đó, vào giờ chào cờ, các em sẽ thay phiên nhau kể lại câu chuyện yêu thích trước toàn trường.
“Kỷ luật tích cực giúp các em sửa sai và tiến bộ. Sau sự việc trên, các em đã có sự thay đổi, học tập tích cực. Có em thi đậu vào lớp 10 công lập, có em tốt nghiệp loại khá, hăng say tham gia phong trào, cố gắng trong học tập” - bà Ánh nói.
Chỉ viết kiểm điểm liệu có tác dụng?
Bên cạnh những đánh giá tích cực, có nhiều cán bộ quản lý không đồng tình với việc bỏ hình thức đình chỉ học.
Một tiết học của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6, TP.HCM), cho rằng các hình thức kỷ luật trong dự thảo mới mang tính nhân văn... quá đà.
Theo ông, nhiều học sinh THCS hiện nay được gia đình nuông chiều quá mức, phụ huynh gần như phó con cho nhà trường. Với dự thảo này, giáo viên rất khó uốn nắn học sinh vì biện pháp kỷ luật nặng nhất chỉ là... viết bản kiểm điểm.
"Tôi nghĩ phải có hình thức đình chỉ học đối với học sinh vi phạm. Trong một số trường hợp, nhà trường phải tạm thời cho các em học sinh vi phạm nghỉ học một thời gian để các em có thời gian nhận ra sai lầm của mình. Tất nhiên khi kỷ luật phải tính đến phương án để các em tiếp tục học tập sau khi tạm dừng đến trường” - ông Cường nói.
Đồng quan điểm, ông Lưu Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp quận Tân Phú, bày tỏ: "Nếu hình thức kỷ luật chỉ là viết bản kiểm điểm sẽ rất khó mang tính răn đe”.
Theo ông Tòng, cần thiết phải có hình thức kỷ luật đình chỉ học trong một số trường hợp đặc biệt. “Khi học sinh tham gia đánh nhau, tùy tính chất sự việc phải tạm dừng học ngay để các em bớt nóng, cơn giận dữ qua đi mới có thể giải quyết” - ông Tòng nói.
Trước đó, tại trung tâm đã xảy ra sự việc nhóm học sinh ẩu đả ngoài đường. Xem xét tính chất, sự việc rất phức tạp, trường đã đình chỉ học các em 1 tuần để tìm hiểu. Nhà trường phối hợp với gia đình, đơn vị chức năng can thiệp dung hòa mâu thuẫn giữa hai bên. Khi thấy mọi việc ổn, các em mới đi học lại.
Ông Tòng cũng cho biết những biện pháp kỷ luật trong dự thảo mang tính nhân văn cao, nhưng cần phải phải phù hợp thực tế. "Dù học sinh vi phạm lỗi gì, ở mức độ nào cũng cần có sự phối hợp với gia đình trong giáo dục".
Tương tự, Hiệu trưởng một Trường THPT ở huyện ngoại thành TP.HCM cho biết nhiều học sinh khá phức tạp, do đó những biện pháp trên khó hiệu quả, không đủ tính răn đe, rất khó khăn cho trường trong quản lý học sinh vi phạm.
Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12, TP.HCM) chia sẻ có những em vi phạm nhiều lần dù nhà trường và gia đình đã phối hợp chặt chẽ. Nếu bây giờ không còn hình thức xử lý mang tính răn đe hơn, sợ rằng các em khó có sự thay đổi tích cực.
Bà Nhung đề xuất nên để nhà trường chủ động trong các hình thức xử lý kỷ luật học sinh. Bởi nhà trường trực tiếp quản lý, giáo dục học sinh nên sẽ có những hình thức phù hợp. Tuy nhiên, mọi giải pháp được triển khai trên tinh thần giơ cao đánh khẽ, giáo dục để các em nên người. Hình thức xử lý nào cũng sẽ có sự đồng thuận, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh.
Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, bày tỏ: “Không nên bỏ hình thức đình chỉ học đối với học sinh. Bởi hiện có nhiều học sinh cá biệt, nếu chỉ kiểm điểm rất khó thay đổi.
Do đó, tùy mức độ vi phạm, trong trường hợp nhất định cần có hình thức đình chỉ. Có thể đình chỉ học tối đa 1 tuần để trong thời gian này, các em sẽ có thời gian nghĩ về những gì mình làm. Tuy nhiên, trong thời gian tạm dừng đến trường, phải có sự giám sát quản lý của gia đình và sau đó gia đình sẽ báo cáo lại với trường.
Thầy Thái Quang Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng) đồng tình với việc hướng tới việc giáo dục con trẻ theo hướng bỏ hình thức đình chỉ học.
Tuy nhiên, cần có quy định rõ ràng, chi tiết về các lỗi vi phạm để có biện pháp xử lý, răn đe phù hợp, tránh dẫn đến học sinh không sợ và “nhờn” với thầy cô, nhà trường.
Các em học sinh tại một điểm trường mới xây ở Đà Nẵng. Ảnh: MINH TRƯỜNG.
Hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm cũng tâm tư, việc rèn giũa học sinh trở thành người tốt cũng không phải khó nhưng cũng chưa chắc dễ. Vì thế, cần có những biện pháp vừa cứng rắn vừa nhẹ nhàng. Bởi khi cứng quá thì con trẻ sẽ ức chế, dằn vặt, nhưng nếu nhẹ quá thì học sinh sẽ không sợ và mặc kệ những quy định xử phạt.
Một giáo viên ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) chia sẻ, việc dạy dỗ con trẻ chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng trong quá trình dạy học hay ngoài giờ lên lớp cần sự tinh tế quan tâm để các con có sự thấu hiểu, đồng cảm và sẽ hiểu nhau hơn. Từ đây, giáo viên quản lý, dạy dỗ học sinh được hiệu quả, tránh các sự việc không đáng có.
“Việc bỏ hình thức đình chỉ học theo tôi là nên bởi môi trường giáo dục phải luôn đặt trọng tâm vì sự phát triển của con người, nhất là cần rèn giũa dẫn dắt cho những em đang trong quá trình hình thành nhân cách chứ không nên có chế tài theo kiểu trừng phạt. Tuy nhiên, phải có các biện pháp cứng rắn đối với một số em do số đó có sự khác biệt về nhận thức cũng như môi trường giáo dục khác nhau”, vị này nói.
NGUYỄN QUYÊN - MINH TRƯỜNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/du-kien-bo-hinh-thuc-dinh-chi-hoc-quan-diem-trai-chieu-post848795.html