Nhà ga VIP của sân bay Phú Quốc trong tương lai lấy cảm hứng từ hình ảnh cá đại bàng biển. Ảnh: CPG.
Chiều 21/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về Nghị quyết đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Báo cáo tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết việc tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là nhiệm vụ chính trị quốc gia quan trọng, gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững của Phú Quốc, khẳng định vị thế của Việt Nam và Phú Quốc trên trường quốc tế.
Liên quan đến công tác chuẩn bị, ngày 16/5, Đảng ủy Chính phủ đã ban hành Công văn số 209 về các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các dự án phục vụ APEC. Ngày 17/5, Thủ tướng cũng đã ký ban hành Quyết định số 948, giao UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì triển khai hạ tầng phục vụ sự kiện, đồng thời kèm theo 6 cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện.
Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và UBND tỉnh Kiên Giang hoàn thành dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Nghị quyết gồm 4 nội dung chính. Thứ nhất, thống nhất chủ trương đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc phục vụ APEC 2027 theo hình thức đầu tư quy định tại Luật Đầu tư (không áp dụng hình thức PPP).
Thứ hai, phân cấp cho UBND tỉnh Kiên Giang thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo trình tự, thủ tục như các dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Thẩm quyền này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư, tuy nhiên Chính phủ ra Nghị quyết để điều chỉnh phân cấp cho tỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Khoản 2 Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ.
Thứ ba, quy định việc chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng sân bay từ Bộ Xây dựng về UBND tỉnh Kiên Giang.
Cuối cùng, đề xuất cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian triển khai dự án, đảm bảo hoàn thành trước tháng 10/2027.
Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cơ bản nhất trí với 4 nội dung trong dự thảo.
Tại cuộc họp chiều 21/5, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cơ bản nhất trí với 4 nội dung trong dự thảo. Ảnh: VGP/Minh Ngọc.
Đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Văn phòng Chính phủ cùng UBND tỉnh Kiên Giang đã cùng nhau trao đổi về một số nội dung cụ thể như việc phân cấp hoặc ủy quyền cho UBND tỉnh thực hiện thẩm quyền đầu tư.
Đồng thời, kiến nghị phân cấp cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác định rõ phạm vi và diện tích đất điều chuyển; các bước tiếp theo trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư và chuyển giao tài sản từ ACV về cho chủ thể đầu tư mới...
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao nỗ lực phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương.
Phó thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc phục vụ APEC 2027 theo hình thức đầu tư, đồng thời đồng ý phân cấp hoặc ủy quyền cho UBND tỉnh Kiên Giang quyết định các nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư, cũng như thẩm định các nội dung kỹ thuật như tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy dưới sự hướng dẫn, giám sát của các bộ chuyên ngành.
Song song đó, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang triển khai nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, chặt chẽ và không để xảy ra sai sót hay sai phạm.
Ông cũng nhấn mạnh mục tiêu không chỉ là đảm bảo tiến độ, mà còn tạo ra công trình có dấu ấn đặc sắc, ý nghĩa lâu dài, góp phần đưa Phú Quốc trở thành điểm đến tầm cỡ quốc tế.
Trên cơ sở kết luận tại cuộc họp, Văn phòng Chính phủ sẽ lấy ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện và trình Thủ tướng xem xét, ban hành Nghị quyết.
Theo công ty tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC, trước thềm APEC 2027, sân bay Phú Quốc dự kiến được mở rộng với mục tiêu đạt công suất 18 triệu hành khách/năm, gấp 4,5 lần so với hiện trạng (4 triệu khách/năm). Mục tiêu tới năm 2050, sân bay được nâng cấp với công suất 50 triệu khách/năm.
Quy hoạch mở rộng bao gồm việc xây dựng thêm một đường cất hạ cánh dài 3.300 m bên cạnh đường băng hiện hữu dài 3.500 m; mở rộng sân đỗ lên 70-80 vị trí, đảm bảo khai thác máy bay thân rộng như B747, B787, A350... và các chuyến bay dài từ châu Âu, Mỹ.
Điểm nhấn của dự án là nhà ga hành khách mới T2, lấy cảm hứng từ hình ảnh chim phượng hoàng, do công ty tư vấn CPG (Singapore) thiết kế.
Đáng chú ý, hiện có 2 đơn vị đã có kiến nghị tham gia đầu tư mở rộng nâng cấp sân bay Phú Quốc là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn và Sun Group.
Liên Phạm