Theo hướng dẫn của Công văn số 1581/BGDĐT-GDPT gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, Bộ hướng dẫn: “Thống nhất thực hiện nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đối với chuyên môn của ngành; bổ nhiệm, sắp xếp, điều động, biệt phái đội ngũ nhà giáo do cơ quan cấp tỉnh (Sở Giáo dục và Đào tạo) thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh để thực hiện điều tiết chung, xử lý tình huống thừa thiếu giáo viên cục bộ”.
Có nghĩa sau khi bỏ cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương sẽ là cơ quan bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và cả cấp trung học phổ thông công lập (hiện nay cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do Ủy ban nhân dân huyện thực hiện, cấp trung học phổ thông do Sở giáo dục và Đào tạo thực hiện).
Cũng theo Công văn số 1581/BGDĐT-GDPT cấp xã quản lý hành chính, địa bàn đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nhưng để quản lý đồng bộ, hiệu quả và thống nhất thì cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp là Sở Giáo dục và Đào tạo (sau khi bỏ cấp huyện, không còn phòng giáo dục) tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển giáo viên là hợp lý, đồng bộ, tránh việc mỗi nơi mỗi kiểu.
Ảnh minh họa
Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới cũng dự kiến giao quyền trên cho Sở giáo dục và Đào tạo. [1]
Dự kiến việc tuyển dụng nhà giáo do Sở Giáo dục hoặc phân cấp cho hiệu trưởng thực hiện
Tại Điều 14. Tuyển dụng nhà giáo của Dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến như sau:
Nội dung và phương thức tuyển dụng nhà giáo được quy định như sau: Nội dung tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; về phương thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.
Về thẩm quyền tuyển dụng ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dự kiến được quy định như sau: Đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập, cơ quan quản lý nhà nước giao cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu tuyển dụng hoặc chủ trì thực hiện tuyển dụng; giao người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập thực hiện tuyển dụng nếu cơ sở giáo dục đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.
Như vậy, dự kiến việc tuyển dụng tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc ủy quyền, phân cấp cho thủ trưởng đơn vị thực hiện tuyển dụng.
Dự kiến Sở Giáo dục cũng là cơ quan điều động nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập
Tại Điều 19. Điều động nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập của dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến:
Việc điều động nhà giáo được thực hiện trong các trường hợp sau: Bố trí nhà giáo do sắp xếp lại cơ sở giáo dục hoặc giải quyết tình trạng thừa, thiếu nhà giáo; giải quyết chính sách đối với nhà giáo sau khi kết thúc thời gian được điều động đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục, quản lý của cơ sở giáo dục; theo yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan quản lý giáo dục.
Tại khoản 3 Điều 19 dự kiến thẩm quyền điều động giáo viên như sau: Cơ quan quản lý nhà nước giao cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu thực hiện điều động hoặc chủ trì thực hiện điều động nhà giáo.
Như vậy, việc điều động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì thực hiện điều động nhà giáo bậc mầm non, phổ thông công lập.
Dự kiến việc bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo được thực hiện như sau:
Trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập, nếu chế độ, chính sách ở vị trí công tác cũ cao hơn chế độ, chính sách ở vị trí công tác mới thì được bảo lưu các chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời gian 12 tháng.
Trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục thì được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời gian 12 tháng.
Các trường hợp không thực hiện điều động gồm:
Nhà giáo nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhà giáo có vợ hoặc chồng đang được điều động, biệt phái hoặc cử làm nhiệm vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trừ trường hợp nhà giáo thuộc các đối tượng nêu trên có nguyện vọng;
Nhà giáo thuộc các trường hợp quy định chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và pháp luật có liên quan.
Dự kiến quy định về biệt phái nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập
Tại Điều 20. Biệt phái nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập dự thảo Luật Nhà giáo như sau:
Biệt phái nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức.
Cơ quan quản lý nhà nước giao cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu thực hiện biệt phái hoặc chủ trì thực hiện biệt phái nhà giáo.
Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục biệt phái nhà giáo.
Như vậy, dự kiến việc biệt phái cũng được thực hiện do cơ quan quản lý giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo) thực hiện.
Dự kiến việc thuyên chuyển nhà giáo do Sở Giáo dục thực hiện và phải được hiệu trưởng nơi đi và nơi đến đồng ý
Tại Điều 21. Thuyên chuyển nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập như sau:
Việc thuyên chuyển nhà giáo phải được sự đồng ý của cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đi và chuyển đến. Thẩm quyền quyết định việc thuyên chuyển nhà giáo do cơ quan quản lý nhà nước giao cơ quan quản lý giáo dục thực hiện.
Dự kiến các trường hợp nhà giáo không được thuyên chuyển gồm:
Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử;
Người chưa đủ 05 năm công tác tính từ thời điểm được tuyển dụng chức danh nhà giáo trừ trường hợp tự nguyện thuyên chuyển công tác đến cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhà giáo được đồng ý cho thuyên chuyển thì cơ sở giáo dục nơi nhà giáo chuyển đi chấm dứt hợp đồng với nhà giáo, cơ sở giáo dục hoặc cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đến thực hiện việc tiếp nhận nhà giáo.
Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thuyên chuyển nhà giáo.
Theo các dự kiến mới nhất tại dự thảo Luật Nhà giáo, việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái đều do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì để thống nhất trong quản lý, điều động giáo viên từ nơi thừa sang thiếu, đồng bộ trong quản lý.
Tài liệu tham khảo:
[1] Dự thảo Luật Nhà giáo
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bùi Nam