Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2024.
Nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn hoạt động của Bảo tàng
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử quân sự dân tộc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc duy trì hoạt động của Bảo tàng chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp cho lĩnh vực quốc phòng. Trên thực tế, nguồn kinh phí này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu hoạt động thường xuyên.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, tỷ lệ ngân sách nhà nước đảm bảo cho hoạt động của bảo tàng chỉ đạt khoảng 80%, khiến nhiều hạng mục cần thiết như duy tu, sửa chữa hệ thống trưng bày, chỉnh lý nội dung, bảo trì cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khách tham quan... chưa được đáp ứng đầy đủ. Bên cạnh đó, việc chưa có văn bản pháp lý cụ thể quy định về thu phí tham quan cũng gây khó khăn cho tổ chức thu phí, người nộp phí và công tác quản lý tài chính.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2024, phục vụ nhu cầu tham quan, học tập của đông đảo công chúng. Do đó, việc ban hành Thông tư để quy định cụ thể mức thu, cơ chế quản lý và sử dụng phí là rất cần thiết, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và tạo nguồn lực bền vững cho bảo tàng hoạt động lâu dài.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Thông tư lần này nhằm 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất với pháp luật hiện hành về phí, lệ phí, di sản văn hóa và quản lý thuế. Thứ hai, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ tại bảo tàng. Thứ ba, nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, thực hiện tốt hơn chức năng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự.
Dự thảo được xây dựng trên quan điểm nội dung rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện. Mức thu phí được xác định trên cơ sở tuân thủ đúng nguyên tắc của Luật Phí và lệ phí, đồng thời phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động thu phí tại bảo tàng, bảo đảm cơ bản bù đắp chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức dịch vụ tham quan.
Mức thu, đối tượng miễn giảm phí cụ thể
Theo Dự thảo, mức phí tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được đề xuất là 40.000 đồng/người/lượt. Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng và hỗ trợ các nhóm đối tượng đặc thù, dự thảo cũng quy định rõ các trường hợp được miễn hoặc giảm phí.
Cụ thể, các trường hợp được miễn phí hoàn toàn khi tham quan bảo tàng bao gồm: Trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em; Người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên; Người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; Người được hưởng chính sách ưu đãi văn hóa như người tàn tật, người già cô đơn, các đối tượng đang được chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; Cựu chiến binh theo quy định của pháp luật về cựu chiến binh; Khách đối ngoại của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội khi được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phê duyệt; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng cũng được miễn phí nếu được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng.
Dự thảo cũng quy định giảm 50% mức phí tham quan đối với các đối tượng sau: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;Sinh viên, học viên các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp và dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân tại Việt Nam, có thẻ sinh viên hoặc giấy xác nhận của nhà trường; Người cao tuổi từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; Người khuyết tật nặng theo quy định của pháp luật; Người có công với cách mạng, bao gồm: Cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, thân nhân liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh và các đối tượng đang được chăm sóc tại cơ sở điều dưỡng; Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã biên giới, xã an toàn khu, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trường hợp một người thuộc từ hai diện ưu đãi trở lên theo quy định, mức giảm phí vẫn chỉ được áp dụng một lần với tỷ lệ 50%.
Người nộp phí cần xuất trình căn cước công dân hoặc thông tin cá nhân trên tài khoản định danh điện tử (ứng dụng VNeID) để được xác định chính xác đối tượng hưởng miễn hoặc giảm phí theo độ tuổi, nơi cư trú hoặc tình trạng chính sách.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Thông tư quy định mức thu phí tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho công tác thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, đồng thời góp phần tháo gỡ những khó khăn tài chính hiện hữu. Điều này sẽ giúp bảo tàng có điều kiện nâng cấp chất lượng trưng bày, cải thiện cơ sở vật chất, phục vụ khách tham quan ngày một tốt hơn, qua đó thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quân sự trong thời kỳ mới.
Thùy Linh