Theo Báo cáo triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, tổng số ô tô của các cơ quan hành chính 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông hiện có 825 xe (trong đó, 800 xe còn sử dụng).
Tổng số lượng xe ô tô của các cơ quan hành chính 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông hiện có 825 xe (trong đó, 800 xe còn sử dụng). Ảnh minh họa: PN.
Dự kiến đối với ô tô chuyên dùng thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Đối với xe ô tô phục vụ công tác chung, các đơn vị đang quản lý tiếp tục quản lý, sử dụng,
Sau khi hoàn thành công tác sáp nhập, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng sẽ tham mưu thu hồi, bố trí cho các sở, ngành thiếu định mức hoặc phân bổ cho các đơn vị hành chính cấp xã, phường nếu Bộ Tài chính, Chính phủ có quy định mới thay thế Nghị định số 72/2023/NĐ-CP.
“Liên quan đến việc sử dụng xe dùng chung, ngày 22-4-2025, Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Theo dự thảo, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của cấp xã được trang bị tối đa 2 xe/cấp xã; do vậy, trong thời gian Chính phủ chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, đề xuất giao UBND các huyện, thành phố chủ động sắp xếp, bố trí xe ô tô hiện có cho các đơn vị hành chính cấp xã mới để phục vụ cho hoạt động chung”, báo cáo nêu.
Sau khi tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô được Chính phủ ban hành; UBND tỉnh Lâm Đồng mới sẽ giao Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp số xe ô tô; đề xuất trang bị đáp ứng đủ nhu cầu theo định mức quy định.
Theo báo cáo, mặc dù đã có định hướng từ Ban chỉ đạo Trung ương về bố trí số lượng hợp lý cán bộ công chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh làm việc đồng thời tại Trung tâm chính trị - hành chính mới và địa phương trước sắp xếp, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể về ngành, lĩnh vực, vị trí công tác cũng như tỷ lệ cán bộ làm việc ở các bộ phận thường trực của 2 tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông.
Do đó, khó khăn trong xác định số lượng người cụ thể để tính toán, xác định nguồn lực, đề xuất tài chính thực hiện các phương án về bố trí trụ sở, nhà công vụ, xe công tác…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đề xuất Đảng ủy Chính phủ có hướng dẫn thống nhất tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã để địa phương có cơ sở sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cấp xã sau sắp xếp.
Ban Tổ chức Trung ương sớm có hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh và phương án khung để sắp xếp, bố trí cán bộ tại các xã, phường, đặc khu sau sắp xếp, sáp nhập.
Dự kiến tổng số đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lâm Đồng mới là 124 xã, phường, đặc khu trong đó, tỉnh Lâm Đồng có 51 xã, phường; tỉnh Bình Thuận có 45 xã, phường, đặc khu và tỉnh Đắk Nông có 28 xã, phường.
PHƯƠNG NAM-VÕ TÙNG