Du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam hợp lực

Du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam hợp lực
7 giờ trướcBài gốc
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam vừa chính thức thông qua việc hợp nhất tổ chức tại hội nghị diễn ra ngày 9/7 tại Đà Nẵng. Sự kiện được nhìn nhận là bước đi tất yếu trong bối cảnh ngành du lịch cần những cấu trúc tổ chức linh hoạt và có khả năng phối hợp liên vùng hiệu quả hơn.
Về tên gọi, tổ chức sau sáp nhập vẫn giữ tên Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng. Ông Cao Trí Dũng được đề cử làm chủ tịch lâm thời. Cơ cấu tổ chức hiện tại của hai hiệp hội tiếp tục được giữ nguyên trong giai đoạn đầu để đảm bảo tính liên tục trong hoạt động. Tài chính của hiệp hội sau sáp nhập sẽ được hợp nhất. Thường trực lâm thời được giao nhiệm vụ chuẩn bị đề án trình UBND thành phố phê duyệt.
Đây không phải là câu chuyện sát nhập về mặt hành chính mà là một nỗ lực tái định hình cách các doanh nghiệp du lịch miền Trung cùng nhau hành động. Thay vì hai thực thể hoạt động riêng biệt với cách tiếp cận và nguồn lực tách rời, một hiệp hội chung được kỳ vọng sẽ tạo ra tiếng nói tập thể mạnh hơn, cơ động hơn trong vận động chính sách, quảng bá hình ảnh và phát triển sản phẩm liên kết.
Cầu Vàng, Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Anh
Nới rộng "chiếc bánh" du lịch
Từ phía Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng cho rằng hợp nhất là lựa chọn chiến lược, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh, chuỗi giá trị du lịch ngày càng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều khâu, sự liên kết vùng cần được thể hiện rõ ràng cả trong thiết kế tổ chức lẫn hành động thực tế.
Các hiệp hội trước đây dù có hợp tác, nhưng vẫn tồn tại ranh giới nhất định về không gian hoạt động, ưu tiên phát triển và tiếng nói đại diện. Khi du khách không phân biệt ranh giới hành chính mà chỉ quan tâm tới trải nghiệm xuyên suốt giữa các điểm đến, thì mô hình tổ chức cũng cần phản ánh tư duy đó.
Từ góc nhìn Quảng Nam, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (cũ) đánh giá đây là cơ hội mở rộng không gian phát triển, chia sẻ hạ tầng và cùng nhau giải quyết các vấn đề tồn tại lâu nay của du lịch địa phương, từ quản lý điểm đến, chất lượng dịch vụ đến xúc tiến thị trường quốc tế. Quảng Nam và Đà Nẵng vốn là hai cực thu hút khách của miền Trung nhưng mỗi địa phương đều có giới hạn về năng lực đầu tư và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu nếu hành động đơn lẻ.
Việc thống nhất giữ nguyên cơ cấu hiện tại của hai hiệp hội trong giai đoạn đầu, cùng với sự có mặt của văn phòng đại diện tại Hội An và Đà Nẵng, cho thấy mô hình hợp nhất lần này đặt trọng tâm vào tính tiếp nối và ổn định. Điều này đặc biệt quan trọng để tránh gián đoạn các hoạt động hiện hữu, đồng thời tạo điều kiện để các chi hội, câu lạc bộ chuyên ngành có thời gian thích ứng và xây dựng phương hướng mới.
Trong nhiều ý kiến tại hội nghị, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm du lịch được nhấn mạnh là hai trọng tâm lớn mà hiệp hội sau hợp nhất sẽ theo đuổi. Với sự tham gia của các đơn vị đào tạo như IBH Academy, chương trình bồi dưỡng kỹ năng quản trị, vận hành và chuyển đổi số sẽ được triển khai sâu rộng. Điều này phản ánh nhận thức chung rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh, không thể chỉ dựa vào cảnh quan hay tài nguyên, mà cần một lực lượng nhân sự đủ trình độ, thấu hiểu nhu cầu du khách và nhạy bén với xu hướng mới.
Từ kinh nghiệm của ngành khách sạn, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng, hợp nhất không khiến chiếc bánh thị phần bị chia nhỏ mà tạo điều kiện để chiếc bánh trở nên phong phú hơn. Khi có một hệ thống liên kết chặt chẽ, các doanh nghiệp có thể kết hợp linh hoạt các dịch vụ của nhau để tạo ra những sản phẩm trọn gói, gia tăng trải nghiệm cho du khách và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Dưới góc nhìn tổ chức sự kiện và phát triển điểm đến, ông Trần Kim Thọ, Tổng thư ký Chi hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng hiệp hội cần đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì và mở rộng các sân chơi chuyên nghiệp như giải bóng đá Hội khách sạn, cuộc thi đầu bếp chuyên nghiệp, ngày hội du lịch hay ngày du lịch xanh.
Các hoạt động này không chỉ gắn kết cộng đồng doanh nghiệp mà còn tạo sức sống thường xuyên cho điểm đến, góp phần đưa hình ảnh du lịch địa phương hiện diện một cách tự nhiên trong đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng.
Du lịch Hội An. Ảnh: Hoàng Anh
Bên cạnh các vấn đề chuyên môn, việc phối hợp giữa các chi hội thành viên trong giai đoạn chuyển tiếp cũng được đặt ra. Mỗi tổ chức nhỏ bên trong hiệp hội cần chủ động họp bàn, rà soát năng lực và định vị lại vai trò của mình trong mô hình mới. Đây là bước không thể thiếu để hiệp hội sau hợp nhất thực sự vận hành trơn tru, không mang tính hình thức.
Câu chuyện hợp nhất cũng mở ra không gian để nghĩ đến những mô hình liên kết rộng hơn trong tương lai. Bà Linh Chi, Trưởng Chi hội Homestay Villa ở Hội An, cho rằng nếu có thể mở rộng mô hình này ra Huế, một tam giác du lịch văn hóa nghỉ dưỡng có thể được hình thành, đủ hấp dẫn để thu hút những dòng khách quốc tế yêu thích trải nghiệm sâu sắc.
Việc lựa chọn giữ tên gọi là Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng trong khi vẫn duy trì văn phòng đại diện tại Hội An có thể xem là một bước đi mang tính biểu tượng. Thay vì tạo ra một thương hiệu hoàn toàn mới, cấu trúc hiện tại giữ lại sự quen thuộc vốn có, đồng thời mở rộng phạm vi ảnh hưởng một cách mềm mại và có tính kế thừa.
Sự chuyển động tổ chức lần này là một thử nghiệm thực tế về khả năng điều phối vùng trên cơ sở hợp tác tự nguyện giữa các doanh nghiệp. Nếu thành công, đây có thể trở thành mô hình tham chiếu cho các địa phương khác đang tìm cách liên kết trong bối cảnh phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa trung tâm.
Quỳnh Chi
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/du-lich-da-nang-va-quang-nam-hop-luc-d41097.html