Du lịch không rác thải nhựa: Ưu tiên hàng đầu của du khách Việt Nam

Du lịch không rác thải nhựa: Ưu tiên hàng đầu của du khách Việt Nam
8 giờ trướcBài gốc
Xu hướng du lịch bền vững của du khách Việt Nam
Trong năm 2025, một trong những thói quen được du khách Việt Nam ưu tiên áp dụng trong các chuyến đi là giảm thiểu rác thải, đặc biệt thông qua việc tái chế và hạn chế sử dụng đồ dùng một lần. Theo kết quả khảo sát, có tới 58% người được hỏi lựa chọn thói quen này.
Xu hướng này cho thấy sự thay đổi rõ rệt so với năm 2024, thời điểm mà việc giảm tiêu thụ năng lượng vẫn còn giữ vị trí ưu tiên hàng đầu, với tỷ lệ 56%.
Xu hướng du lịch bền vững của du khách Việt Nam trong thời gian qua. (Biểu đồ: TRUNG HIẾU)
Bên cạnh đó, 62% người Việt tham gia khảo sát đồng tình rằng du lịch bền vững là yếu tố rất quan trọng, và được xem là điều kiện tiên quyết khi đưa ra quyết định cho mỗi chuyến đi.
Đáng chú ý, khi nhìn về xu hướng tương lai, có tới 90% khách du lịch bày tỏ mong muốn lựa chọn hình thức bền vững hơn trong vòng 12 tháng tới.
Tại Việt Nam, 46% du khách cho rằng lượng rác thải và ô nhiễm từ các hoạt động du lịch đang là thách thức lớn đối với cộng đồng địa phương, trong khi 56% kỳ vọng có sự cải thiện trong công tác quản lý rác thải để hướng tới một ngành du lịch phát triển bền vững hơn.
Đảo Cycladic, Hy Lạp. (Ảnh: Booking.com)
Nhận thức ngày càng cao của du khách đang tạo ra những tác động sâu rộng hơn: 69% trở nên ý thức hơn về ảnh hưởng của du lịch đến cộng đồng và môi trường; 83% mong muốn để lại tác động tích cực tại điểm đến sau khi rời đi; và 26% đưa yếu tố bền vững trở thành tiêu chí quan trọng trong quá trình lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ cá nhân.
Tất cả những điều này cho thấy sự chuyển dịch trong hành vi của du khách, từ việc chỉ chú trọng tiết kiệm năng lượng sang ưu tiên áp dụng các thói quen giúp giảm thiểu rác thải trong hành trình của mình.
Những điểm đến "xanh" nổi bật
Những gợi ý điểm đến dành cho những du khách đang tìm kiếm các cách thức giảm thiểu tác động của du lịch tại địa phương, từ việc sử dụng bình nước có thể tái sử dụng đến túi thân thiện với môi trường đến hưởng ứng xu hướng du lịch không rác thải nhựa.
Hội An, Việt Nam: Hội An là điểm đến lý tưởng của những chuyến du lịch không rác thải nhựa, thể hiện cam kết lâu dài về bảo vệ môi trường.
Hội An, Việt Nam. (Ảnh: Booking.com)
Tại đây, Quần đảo Cù Lao Chàm, Khu dự trữ sinh quyển thế giới UNESCO đã cấm túi nhựa từ năm 2009.
Các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương đang áp dụng nhiều giải pháp bền vững, từ mô hình sản phẩm có thể tái sử dụng đến việc sử dụng vật liệu tự nhiên, truyền thống, mang đến trải nghiệm chân thực và đầy ý nghĩa cho du khách.
Paros, Hy Lạp: Hòn đảo Cycladic đang tích cực thay thế nhựa bằng các giải pháp bền vững.
Khởi động từ tháng 4/2019, “Clean Blue Paros” là chương trình phát triển bền vững toàn diện với mục tiêu biến Paros thành hòn đảo không rác thải nhựa đầu tiên tại Địa Trung Hải.
Paros, Hy Lạp. (Ảnh: Booking.com)
Chương trình triển khai nhiều giải pháp như phát bình tái sử dụng cho học sinh, lắp vòi lọc nước công cộng, hỗ trợ hơn 100 cơ sở kinh doanh loại bỏ đồ nhựa dùng một lần và tổ chức các hoạt động giáo dục cộng đồng.
Những sáng kiến như thùng bỏ tàn thuốc có chức năng “bình chọn” hay xe rác được thiết kế trực quan đã giúp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân.
San Pedro La Laguna, Guatemala:
San Pedro La Laguna, một thị trấn ven hồ Atitlán (Guatemala) là địa phương đầu tiên tại nước này cấm hoàn toàn nhựa dùng một lần, xốp và túi nylon từ năm 2016.
San Pedro La Laguna, Guatemala. (Ảnh: Booking.com)
Người dân thích nghi bằng cách sử dụng các vật liệu truyền thống như giỏ lá cọ, giấy thủ công và lá chuối. Thị trấn còn triển khai hệ thống phân loại rác tại nguồn, xây dựng trung tâm tái chế, tổ chức các hoạt động giáo dục cộng đồng và khuyến khích du khách tham gia gìn giữ môi trường.
Mô hình này đã lan rộng ra nhiều địa phương ven hồ và trở thành hình mẫu tiêu biểu cho phát triển du lịch xanh.
Tofino, Canada:
Là thị trấn lý tưởng cho hoạt động lướt sóng trên đảo Vancouver, Tofino nổi bật với những mục tiêu và giá trị bản địa trong công tác bảo tồn và quản lý môi trường.
Tofino, Canada. (Ảnh: Booking.com)
Nơi đây đang nỗ lực giảm thiểu và hướng đến ngăn chặn hoàn toàn tình trạng suy thoái môi trường tự nhiên.
Hiện tại, thành phố đã đạt danh hiệu “Đô thị giảm nhựa” (Plastic Smart Cities), đồng thời áp dụng các lệnh cấm nghiêm ngặt đối với đồ dùng một lần và khuyến khích doanh nghiệp tại địa phương cung cấp dịch vụ không rác thải.
El Nido, Philippines:
Dù không được biết đến nhiều như Boracay hay Palawan, El Nido đã ban hành lệnh cấm nhựa dùng một lần từ năm 2019.
El Nido, Philippines. (Ảnh: Booking.com)
El Nido Resorts là đơn vị lưu trú đầu tiên tại Philippines tham gia Sáng kiến Du lịch Không Nhựa Toàn cầu (GTPI), triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu nhựa hiệu quả, trong đó có lệnh cấm sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân và giặt giũ dạng gói như dầu gội, kem đánh răng, bột giặt, xà phòng và nước rửa chén.
Ischia, Italy:
Ischia, hòn đảo xinh đẹp ngoài khơi miền nam Italy, đang tích cực thúc đẩy du lịch bền vững thông qua nhiều sáng kiến thiết thực.
Ischia, Ý. (Ảnh: Booking.com)
Một dự án thí điểm tại đây đang thử nghiệm các hệ thống tái sử dụng bao bì thực phẩm cùng các trạm nạp đầy nước uống và mỹ phẩm nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Trước đó, từ năm 2019, Ischia đã ban hành lệnh cấm sử dụng đĩa và ống hút nhựa trên toàn đảo, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái biển và giữ gìn vẻ nguyên sơ của các bãi biển địa phương.
TRUNG HIẾU
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/du-lich-khong-rac-thai-nhua-uu-tien-hang-dau-cua-du-khach-viet-nam-post892623.html