Ngành du lịch Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi số, đưa thông tin du lịch tiếp cận tới mọi du khách. Ảnh minh họa: INT.
Với trên 17,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, cùng tổng doanh thu đạt 850 nghìn tỷ đồng, năm 2024 được xem như một thành công lớn của ngành du lịch Việt Nam.
Tăng tốc bắt kịp thế giới
Với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng từ các di tích, danh thắng, di sản cùng nền văn hóa đậm đặc bản sắc, Việt Nam không chỉ là điểm đến được yêu thích của du khách quốc tế, mà còn là địa điểm hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị từ nền ẩm thực, tập quán và tính hiếu khách thân thiện. Tất cả những giá trị tốt đẹp ấy đã và đang lan tỏa ra thế giới nhờ chuyển đổi số.
Theo thống kê mới nhất của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong năm 2024 Việt Nam đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng doanh thu ngành du lịch đạt 850 nghìn tỷ đồng (tăng 23,8%). Bên cạnh đó, lượng khách nội địa cũng đạt tới 110 triệu lượt.
Phục hồi sau thời gian Covid-19, và có những bước tiến vượt bậc, ngoài công tác quảng bá, liên kết các doanh nghiệp lữ hành và yếu tố khách quan từ chính sách thị thực thông thoáng, thành công của ngành du lịch còn đến từ công tác chuyển đổi số theo hướng phục vụ đến từng khách hàng, cá nhân hóa các dịch vụ để tăng tính trải nghiệm cùng sự hài lòng của khách.
Trong Hội nghị tổng kết năm 2024 diễn ra vào cuối tháng 12/2024, ông Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, nhờ chuyển đổi số, ngành du lịch chuyển hướng từ B2B sang B2C, giảm bớt lữ hành trung gian, văn phòng đại diện, do khách đặt tour ngay trên không gian số.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong du lịch, trong năm 2024 Bộ VH,TT&DL đã tạo hành lang pháp lý, phê duyệt và ban hành các đề án: “Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch” và “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Các địa phương và các doanh nghiệp du lịch đã triển khai 3 dự án: Số hóa di sản; Du lịch thông minh và xây dựng trung tâm điều hành. Bên cạnh đó, Việt Nam tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, nền tảng mạng xã hội để ký kết hợp tác kết nối du lịch thông minh trên toàn thế giới.
“Với tài nguyên, con người, văn hóa Việt Nam, nền tảng du lịch phát triển kết hợp chuyển đổi số, du lịch hoàn toàn có thể theo kịp thế giới trong 7 đến 10 năm”, ông Hồ An Phong khẳng định.
Nhờ nỗ lực chuyển đổi số và quảng bá du lịch, trong năm 2024 Việt Nam tiếp tục được vinh danh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới. Đồng thời, cũng được quốc tế đánh giá là điểm đến an toàn nhất châu Á năm 2024, top 5 điểm đến yêu thích nhất của du khách Mỹ…
Bên cạnh đó, tour du lịch Ninh Bình bằng thuyền và xe đạp, tour trải nghiệm vượt thác và tham quan thác nước ở Đà Lạt lọt vào 25 hoạt động trải nghiệm hấp dẫn nhất; bãi biển Mỹ Khê và Non Nước (Đà Nẵng) lọt top 50 bãi biển quyến rũ nhất thế giới; Mù Cang Chải được đánh giá là điểm đến mang vẻ đẹp siêu thực đáng kinh ngạc…
Khách tham quan trải nghiệm ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Không ngừng quảng bá, mời gọi du khách
Theo Cục Du lịch quốc gia, mặc dù chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, song đến nay, nhiều người chưa thực sự hiểu chuyển đổi số là gì, cũng như tác dụng, vai trò của công tác này trong hoạt động du lịch.
Theo giới chuyên gia, khái niệm phổ biến nhất về chuyển đổi số - đó là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Như trong thời gian giãn cách do đại dịch Covid-19, hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam thay vì tham quan trực tiếp, du khách có thể quan sát toàn cảnh trưng bày hoặc chi tiết hiện vật thông qua Internet.
Các bảo tàng thực hiện chuyển đổi số bằng các ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp du khách ngồi ở nhà nhưng có cảm giác trực tiếp tham quan tại bảo tàng.
Tương tự vậy, các điểm đến của Việt Nam, các di sản, danh thắng, ẩm thực, các tour du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm… cũng được chuyển đổi số. Du khách châu Âu, châu Á hay bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tiếp cận một phần thông tin để lựa chọn.
Chuyển đổi số cũng giúp du khách dễ dàng tiếp cận hơn với các dịch vụ nơi mình lựa chọn: Tra cứu thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, đặt vé máy bay, đặt phòng, mua vé tham quan, mua sắm hàng hóa, quản lý tour, phản ánh tới cơ quan chức năng...
Nhiều dự án triển lãm trực tuyến “Vibrant Vietnam” trên nền tảng số Bảo tàng văn hóa trực tuyến “Google Arts & Culture” đã được triển khai. Bên cạnh đó là dự án “Kỳ quan Việt Nam” (Wonders of Vietnam) với 35 triển lãm trực tuyến và hơn 1.300 bức ảnh về điểm du lịch nổi tiếng, các di sản, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực Việt Nam, nhằm lan tỏa và thu hút du lịch.
Hà Nội là một trong những thành phố thực hiện chuyển đổi số du lịch tích cực, và thu lại nhiều thành quả đáng mừng. Ngay trong dịp Tết Dương lịch 2025, mặc dù lịch nghỉ chỉ 1 ngày nên đa số người dân chọn phương án nghỉ ngơi, du lịch tại chỗ nhưng lượng khách đến Thủ đô vẫn cao.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, khách du lịch dịp Tết Dương lịch ước đạt 160 nghìn lượt khách (tăng 17% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 28,4 nghìn lượt khách, tăng 67%; khách du lịch nội địa ước đạt 132 nghìn lượt khách, tăng 10%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 594 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Với những chuyển biến từ chuyển đổi số kết hợp cùng hệ sinh thái du lịch thông minh, cùng với tiềm năng từ các di sản, danh thắng, văn hóa… hứa hẹn năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo, du lịch Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng tăng trưởng hai chữ số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo ông Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL: Với du lịch, chuyển đổi số là đi đầu, tất yếu và khách quan, yếu tố để phát triển du lịch nhanh và bền vững. Bộ VH,TT&DL đã tập trung phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm của du khách. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá Nền tảng số quốc gia quản trị và kinh doanh du lịch; Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả điểm đến du lịch thông minh.
Trần Hòa