Dự phòng tái phát bệnh hen phế quản vào mùa lạnh

Dự phòng tái phát bệnh hen phế quản vào mùa lạnh
10 giờ trướcBài gốc
Hen phế quản rất dễ đột ngột lên cơn hen cấp khi thời tiết lạnh, sẽ rất nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Vì vậy, việc dự phòng tái phát bệnh hen phế quản vào mùa lạnh là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân gây hen phế quản
Nguyên nhân gây hen phế quản có thể chia thành 3 nhóm:
Do cơ địa của người bệnh: Bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân mắc những bệnh dị ứng. Hoặc trong gia đình khi bố hoặc mẹ bị hen phế quản thì khoảng 20 - 30% con có thể mắc bệnh. Nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh thì có khoảng 50% con có thể mắc hen phế quản.
Do môi trường: Các yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới bệnh lý hen phế quản bao gồm khói, bụi, phấn hoa, lông chó mèo, hóa chất, mùi nặng…
Do nghề nghiệp: Một số người làm nghề dệt may, làm thảm, hóa chất… sẽ dễ bị mắc hen phế quản.
Triệu chứng điển hình của hen phế quản
Người bị hen phế quản thường có biểu hiểu hiện: Ho, khó thở, nặng ngực tái đi tái lại nhiều lần, hay gặp về đêm khuya, nửa đêm về sáng.
Do phế quản tăng tiết dịch nhầy và co thắt các cơ phế quản nên rất khó thở, đặc biệt khó thở ra. Khó thở sẽ tạo thành tiếng rít như tiếng cò cử.
Dấu hiệu của cơn hen phế quản cấp
Người bệnh hen có thể đột ngột khởi phát cơn hen cấp khi:
Thời tiết thay đổi.
Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
Gắng sức.
Tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như phấn hoa, da lông súc vật, hóa chất, nấm mốc...
Một số thực phẩm, thuốc, hóa chất... cũng có khả năng khởi phát cơn hen ở người có cơ địa nhạy cảm và có nhiều trường hợp biểu hiện rất nặng nề.
Hen phế quản là tình trạng viêm đường hô hấp mạn tính.
Cần kiểm soát và điều trị dự phòng tốt bệnh hen phế quản
Bệnh hen phế quản có thể được kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách và theo dõi chặt chẽ, cần dùng thuốc dự phòng đều đặn, tái khám định kỳ để đánh giá tình trạng bệnh. Do đó, người bệnh nên đi khám chuyên khoa và phải tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Khi biết mình bị hen phế quản thì bệnh nhân cần hết sức thận trọng, vì cơn hen có thể xuất hiện đột ngột bất cứ lúc nào, đặc biệt khi tiếp xúc với các dị nguyên như: Phấn hoa, lông hoặc chất thải chó, mèo, khói thuốc lá, khói thuốc lào, khói bếp than, bụi nhà, gián, thuốc xịt, nước hoa có mùi hắc, nấm mốc, thức ăn lạ (hải sản...); thuốc (aspirin)…
Ở phụ nữ mang thai cần kiểm soát điều trị tốt để ngăn chặn những cơn thiếu oxy cho mẹ, giúp cung cấp oxy đầy đủ cho thai nhi. Điều trị tối ưu bệnh hen trong lúc mang thai bao gồm: Kiểm soát chức năng hô hấp, tránh các yếu tố gây kích phát cơn hen, tư vấn cho người bệnh điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp để duy trì chức năng phổi bình thường.
Để dự phòng tái phát bệnh hen phế quản vào mùa lạnh người bệnh cần chú ý:
Dự phòng các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cũng cần thiết ở người đã từng bị hen và việc này càng nên được chú ý vào mùa lạnh. Khi thời tiết lạnh sẽ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus, cảm cúm... làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp.
Không lao động quá nặng, vận động quá sức
Các hoạt động gắng sức quá mức cũng là yếu tố khởi phát cơn hen đối với một số người. Khi vận động mạnh thì nhu cầu oxy tăng lên, khiến bệnh nhân phải thở nhanh, luồng khí ra vào phế quản nhanh và mạnh hơn, ít được làm ẩm và làm ấm hơn sẽ gây kích ứng các tiểu phế quản gây cơn hen. Do đó, bệnh nhân hen phế quản không nên lao động quá nặng, vận động quá sức. Nên làm việc phù hợp với tình trạng sức khỏe, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Chú ý tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng
Đối với những người có cơ địa dị ứng càng cần phải chú ý đến môi trường sống, nên tránh tiếp xúc với những chất dễ gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá… Nếu môi trường làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với chất gây dị ứng, tốt nhất nên chuyển đổi nghề nghiệp để bảo vệ sức khỏe.
Ăn uống đảm bảo đủ dinh dưỡng, uống đủ nước.
Thường xuyên luyện tập thể lực bằng các bài tập phù hợp với sức khỏe cũng là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Tóm lại: Khi gặp thời tiết lạnh thì triệu chứng khó thở của hen suyễn có thể nặng hơn. Vì vậy, việc phòng bệnh hen phế quản không chỉ phụ thuộc vào việc chăm sóc cơ thể, mà còn đòi hỏi người bệnh tuân thủ chế độ dùng thuốc và cần duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, luyện tập thể lực nhẹ nhàng, chế độ dinh dưỡng tốt cũng góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa sự khởi phát của cơn hen. Ở những người có nguy cơ cao hơn, nên sử dụng phác đồ thuốc dự phòng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để dự phòng cơn hen. Người có tiền sử mắc bệnh hen phế quản cần chủ động tiêm phòng cúm, phế cầu đầy đủ trước mỗi đợt thay đổi thời tiết.
BS Nguyễn Thị Thùy
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/du-phong-tai-phat-benh-hen-phe-quan-vao-mua-lanh-169241213101043648.htm