Dự thảo Nghị định hoạt động vận tải đường bộ gây khó cho doanh nghiệp?

Dự thảo Nghị định hoạt động vận tải đường bộ gây khó cho doanh nghiệp?
4 giờ trướcBài gốc
Góp ý về dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo, người trực tiếp điều hành phải đáp ứng điều kiện về chuyên môn như: Chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải hoặc đường bộ trở lên, đối với “hoạt động vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe ô tô kéo rơ moóc, xe ô tô đầu kéo kéo theo sơ mi rơ moóc”.
Cân nhắc bỏ quy định đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo loại hình tuyến cố định chỉ được lựa chọn giờ xuất bến (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa khác phải có kinh nghiệm làm việc tại đơn vị kinh doanh vận tải tối thiểu từ 3 năm trở lên hoặc là Chủ hộ kinh doanh vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải.
Theo VCCI, so với quy định hiện hành, Dự thảo đã quy định thêm điều kiện của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải. Đây được xem là rào cản kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực này và cần phải được giải trình rõ hơn về vấn đề này.
Trong khi đó, liên quan đến quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến vận tải hành khách cố định (Điều 22), theo VCCI, quy định tại Điều 22 Dự thảo, Đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo loại hình tuyến cố định chỉ được chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại các thời điểm chưa có đơn vị khai khác. Có nghĩa, tại mỗi thời điểm ở mỗi tuyến, chỉ có một đơn vị được khai thác. Đây là quy định không mới so với quy định hiện hành.
Trong nhiều văn bản góp ý trước đây, VCCI đề nghị xem xét lại tính hợp lý của quy định này, bởi tác động rất lớn đến tính cạnh tranh của thị trường vận tải hành khách tuyến cố định và có thể nảy sinh tình trạng, một số đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký giờ xuất bến nhưng không khai thác, tình trạng bán slot cho các đơn vị khai thác khác.
Cũng theo VCCI, quy định chỉ cho một đơn vị kinh doanh vận tải khai thác một thời điểm ở mỗi tuyến khiến cho những đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký sau (hoặc đăng ký muộn hơn so với các đơn vị khác) không thể khai thác được giờ xuất bến mà họ mong muốn và ảnh hưởng đến hoạt động khai thác kinh doanh của các doanh nghiệp này. Mặt khác, theo quy định vào các dịp cao điểm, nhu cầu khách hàng tăng cao như dịp Lễ, Tết, các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng… các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đang khai thác tuyến cố định sẽ được tăng cường phương tiện để giải tỏa hành khách trên tuyến cố định Như vậy có thể thấy, trong một thời điểm ở mỗi tuyến có thể khai thác nhiều xe vận tải và việc cho phép các đơn vị kinh doanh khác cùng khai thác là hoàn toàn có thể thực hiện được.
“Nếu cho rằng, việc nhiều đơn vị vận tải cùng khai thác một thời điểm ở mỗi tuyến có thể gây ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chèo kéo khách hoặc gây mất trật tự, thì có thể giải quyết bằng phương thức khác, ví dụ bến xe khách xe không kì hợp đồng với đơn vị vận tải; hoặc áp dụng chế tài đối với các đơn vị gây mất an ninh trật tự thay vì thiết kế quy định hạn chế đơn vị vận tải khai thác tuyến cố định như hiện nay” – văn bản của VCCI nêu.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cân nhắc bỏ quy định đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo loại hình tuyến cố định chỉ được lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại các thời điểm điểm chưa có đơn vị khai thác.
Nguyễn Hòa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/du-thao-nghi-dinh-hoat-dong-van-tai-duong-bo-gay-kho-cho-doanh-nghiep-351991.html