Dự thảo Quy chế tuyển sinh có gì mới đáng chú ý?

Dự thảo Quy chế tuyển sinh có gì mới đáng chú ý?
5 giờ trướcBài gốc
Thứ nhất, tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo một trong ba phương thức: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Cụ thể, xét tuyển: căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Thi tuyển: căn cứ để xét tuyển là kết quả thi tuyển theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.
Kết hợp thi tuyển với xét tuyển: căn cứ để xét tuyển là sự kết hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Thứ hai, số môn thi: 03 (ba) môn gồm Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học lựa chọn 01 (một) trong 02 (hai) phương án sau và được công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm:
- Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản;
- Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.
Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10, nhưng lại dự kiến môn này sẽ thay đổi hàng năm để tránh học lệch, học tủ.
Cùng với đó, các môn học không được đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở thì không lựa chọn.
Bên cạnh đó, nếu học sinh lựa chọn môn Khoa học tự nhiên hoặc Lịch sử và Địa lí thì làm bài thi tổ hợp.
Thứ ba, thành phần Hội đồng coi thi gồm: Chủ tịch Hội đồng là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông; Phó Chủ tịch là Phó hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn trường trung học phổ thông; Thư kí và giám thị là giảng viên, giáo viên; cán bộ công an, nhân viên phục vụ, nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ.
Thứ tư, việc chấm thi phải bảo đảm an toàn, bảo mật bài thi ở tất cả các khâu: nhận bàn giao bài thi, bảo quản bài thi, làm phách, tổ chức chấm thi.
Với bài thi tự luận, phải tổ chức cho giám khảo nghiên cứu, thảo luận vận dụng đáp án và hướng dẫn chấm; tổ chức chấm chung ít nhất 10 (mười) bài thi; tổ chức chấm hai vòng độc lập.
Với bài thi trắc nghiệm, phải tổ chức tập huấn cho giám khảo về sử dụng phần mềm chấm thi. Phần mềm chấm thi phải bảo đảm chính xác, khoa học; được nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng chấm thi.
Thứ năm, thành phần, trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng phúc khảo bài thi thực hiện như thành phần, trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng chấm thi quy định tại khoản 4 Điều này. Thành phần giám khảo chấm phúc khảo không được trùng với giám khảo Hội đồng chấm thi.
Ly Hương
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/du-thao-quy-che-tuyen-sinh-co-gi-moi-dang-chu-y-179241021092210225.htm