Việt Nam sẽ đưa 2 tuyến cáp quang biển mới vào khai thác trong năm 2025. Ảnh: TTXVN
Hôm nay (27-11), tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã tổ chức sự kiện Internet Day 2024 với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI)”, TTXVN đưa tin.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của hạ tầng số trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ông cho rằng, việc đầu tư vào hạ tầng số là một quyết định chiến lược, giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.
Nhận thức điều này, Bộ TT&TT đã ban hành Khung phát triển hạ tầng số, xác định rõ bốn thành phần chính và các mục tiêu cụ thể như phổ cập cáp quang, phủ sóng 5G. Khung này được xây dựng nhằm thực hiện các định hướng trong Chiến lược hạ tầng số quốc gia.
Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết cơ quan khuyến khích đầu tư mở rộng mạng cáp quang và đảm bảo truy cập internet cho mọi hộ gia đình Việt Nam.
Theo ông Phúc, trong năm 2024, các nhà mạng đã chính thức cung cấp dịch vụ 5G đến người dùng sau khi hoàn tất quá trình đấu giá và triển khai cơ sở hạ tầng. Theo Cục trưởng Cục Viễn thông, một số doanh nghiệp đã đặt mục nâng số lượng trạm 5G lên gấp đôi so với trạm 4G vào năm 2025.
Để đảm bảo thông tin liên lạc luôn thông suốt và trao đổi dữ liệu quốc tế được diễn ra một cách ổn định, Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng cường hệ thống cáp quang biển.
Cụ thể, trong năm 2025, ít nhất 2 tuyến cáp quang biển mới sẽ được đưa vào hoạt động. Đến năm 2030, con số này dự kiến sẽ tăng lên 8 tuyến, đảm bảo đáp ứng nhu cầu băng thông ngày càng cao và tạo ra một mạng lưới kết nối quốc tế bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số, Bộ TT&TT đã đưa ra nhiều định hướng phát triển, trong đó có việc khuyến khích đầu tư vào các trung tâm dữ liệu, phát triển các nền tảng công nghệ số và tăng cường kết nối IoT. Mục tiêu đến năm 2030, mỗi người dân Việt Nam sẽ có trung bình 4 kết nối IoT.
Gia Nghi