Dừa lên cơn sốt, doanh nghiệp 'đỏ mắt' tìm mua nguyên liệu

Dừa lên cơn sốt, doanh nghiệp 'đỏ mắt' tìm mua nguyên liệu
21 giờ trướcBài gốc
Tại Bến Tre, giá dừa khô nguyên liệu canh tác hữu cơ dao động từ 150.000 đến 160.000 đồng/chục (12 trái), trong khi dừa khô canh tác thông thường có giá từ 130.000 đến 145.000 đồng/chục.
Giá dừa tươi cũng tăng mạnh, với mức tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, giá dừa tươi tại vườn chỉ khoảng 5.000 đồng/trái, nhưng hiện tại đã lên đến 11.000 đồng/kg.
Giá dừa tăng cao khiến người trồng dừa phấn khởi (Ảnh: Nguyễn Liến)
Giá dừa tăng mạnh
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá dừa tăng mạnh là do Indonesia, quốc gia sản xuất dừa lớn nhất thế giới, đã quyết định nâng mức thuế xuất khẩu dừa và có kế hoạch dừng xuất khẩu dừa nguyên liệu trong tương lai.
Điều này khiến nguồn cung dừa trên thị trường quốc tế giảm mạnh, tạo cơ hội cho các quốc gia khác như Việt Nam gia tăng xuất khẩu và đẩy giá dừa lên cao.
Ngoài ra, sự gia tăng nhu cầu từ các nhà máy ở Thái Lan và Trung Quốc cũng dừa trong nước tăng giá. Các nhà máy này đang đổ xô mua dừa của Việt Nam để bổ sung vào sản xuất trong nước. Tại các cửa khẩu ở Đồng Tháp, An Giang, mỗi ngày có hàng chục container dừa được xuất đi.
Các nhà máy sơ chế nước dừa và nước cốt dừa cấp đông của các tập đoàn Trung Quốc hiện đã hoạt động ổn định và mở rộng thêm nhiều cơ sở sản xuất. Sự cạnh tranh gay gắt về nguyên liệu đã đẩy giá dừa nguyên liệu lên cao, khiến các nhà máy trong nước gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu.
Mặc dù nông dân hưởng lợi từ giá cao, nhưng các nhà máy không thể đáp ứng kịp nhu cầu thu mua, gây khó khăn cho quá trình sản xuất và chế biến.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa hơn 1 tỷ USD.
Ông Trần Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, mỗi ngày doanh nghiệp sẽ phải tiêu thụ 100 tấn cơm dừa tươi tương đương khoảng 300.000 quả dừa.
Với giá dừa khô nguyên liệu tăng cao như hiện nay, chi phí sản xuất gần như tăng 100%. Giá cơm dừa cùng kì năm ngoái là 18.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 35.000 đồng/kg.
Trong khi đó, bà Lê Thị Bê - Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Tâm COCONUT Việt Nam cho hay, để có đủ nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp phải tích cực tìm kiếm nguồn cung từ nhiều địa phương khác ngoài Bến Tre, như Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm, giá dừa liên tục tăng khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc duy trì sản xuất.
Xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu dừa
Để ổn định giá dừa trong nước, Hiệp hội Dừa Việt Nam ban hành kế hoạch thực hiện xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu dừa, giúp 2.500 hộ dân tại Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với doanh nghiệp, ngân hàng và thị trường xuất khẩu.
Chương trình thí điểm tại 5 tỉnh (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng) sẽ kéo dài 6 tháng, tập trung vào thu mua, chế biến sâu, hỗ trợ tài chính và ứng dụng thanh toán số, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế xuất khẩu thô và ổn định nguồn nguyên liệu.
Sau 6 tháng thí điểm, chương trình sẽ được mở rộng ra 20.000 hộ dân ở các tỉnh miền Đông, miền Tây và miền Trung, tạo nền tảng vững chắc cho chuỗi cung ứng dừa bền vững.
Hiệp hội Dừa Việt Nam, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ hợp tác chặt chẽ để gia tăng giá trị xuất khẩu, đưa ngành dừa Việt Nam vào chuỗi giá trị triệu đô, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết: “Chương trình còn kì vọng tạo được bản đồ dừa nguyên liệu ở từng khu vực, để các nhà đầu tư biết là vùng nguyên liệu dừa của Việt Nam không riêng gì ở Bến Tre mà ở 25 tỉnh, thành khác”.
Việt Nam hiện có 25 tỉnh trồng dừa, chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2024, ngành dừa Việt Nam đã phát triển trên hơn 200.000 héc-ta, đứng thứ 5 thế giới về sản xuất dừa, với năng suất thu hoạch đạt 2 triệu tấn.
Ngành dừa đạt kim ngạch xuất khẩu 1,089 tỷ USD.
Nguyễn Liến
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/dua-len-con-sot-doanh-nghiep-do-mat-tim-mua-nguyen-lieu-ar927186.html