Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, việc xây dựng một sàn thương mại điện tử (TMĐT)dành riêng cho nông sản là giải pháp thiết thực để phát triển nông nghiệp số mà còn mang lại giá trị thiết thực. Trước hết, sàn TMĐT dành riêng cho nông sản hướng tới tiêu thụ nông sản bền vững, kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần giảm thiểu rủi ro ùn ứ sản phẩm.
Đồng thời, thông qua việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, nông sản Việt Nam có thể nâng cao giá trị sản phẩm, tiếp cận và xây dựng niềm tin không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, sàn giao dịch này hỗ trợ người nông dân tiếp cận công cụ số, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Theo tính toán, mỗi điểm bán hàng có bán kính phục vụ bình quân 2,67 km và đáp ứng nhu cầu của trung bình 6.259 người. Đây là nền tảng tạo nên hệ thống giao dịch nông sản lớn nhất, nhanh nhất và gần gũi nhất với người dân trên cả nước. Không dừng lại ở thị trường trong nước, sàn thương mại điện tử này sẽ từng bước mở rộng sang các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước có thể đạt hơn 60 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra và lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, tiêu thụ nông sản cũng có nhiều thuận lợi, không chỉ hạn chế thấp nhất tình trạng “được mùa mất giá” mà nhiều mặt hàng còn luôn duy trì giá bán cao, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân.
Thực tế bên cạnh thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước cũng đang được các DN đẩy mạnh khai thác để tiêu thụ nông sản. Với quy mô thị trường 100 triệu dân, nhu cầu nông sản, thực phẩm trên cả nước hiện rất lớn trong khi người tiêu dùng đang ngày càng ưu tiên dùng hàng Việt là cơ sở để đa dạng kênh tiêu thụ, trong đó các mặt hàng có lợi thế là gạo, rau quả, thủy sản.
Rõ ràng lợi thế mà sàn TMĐT đem lại rất lớn, theo báo cáo của Bộ Công thương trong 10 tháng năm 2024, thị trường TMĐT từ giao dịch trực tiếp giữa DN và người tiêu dùng (B2C) đã hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Dự kiến, sang năm 2025, quy mô thị trường TMĐT sẽ vượt mốc 25 tỷ USD. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi TMĐT Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có 116 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, với tổng thu ngân sách đạt 19.774 tỷ đồng. Trong đó, số thu khai trực tiếp đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Các nền tảng lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix và Apple tiếp tục đóng góp một phần lớn vào nguồn thu này.
Cùng với sự gia nhập của các sàn TMĐT quốc tế như Temu, Shein, thị trường TMĐT Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tổng số thuế từ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT trong 11 tháng đầu năm 2024 đã đạt khoảng 108.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng này không chỉ thể hiện sự phát triển của ngành TMĐT mà còn chứng minh rằng Việt Nam đang trở thành một thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp nước ngoài.
Bên cạnh đó, thị trường TMĐT trong nước cũng chứng kiến sự lớn mạnh của các sàn như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.
Trước những áp lực cạnh tranh khốc liệt trên, ông Nguyễn Trường Giang - Phụ trách Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, hơn cả việc mang nông sản lên môi trường số, sàn TMĐT nongsan.buudien.vn sẽ đóng vai trò cầu nối, gắn kết nông sản với văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Nhấn mạnh điều này, ông Giang kỳ vọng sàn TMĐT này sẽ đóng góp tích cực trong việc nâng tầm giá trị nông sản Việt, mang lại lợi ích thiết thực cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
K.Lê