Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2024 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng TMĐT vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này tăng trên 25% so với năm 2022 và đạt 25 tỷ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD, TMĐT chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Sự phát triển nhanh của TMĐT gắn liền với sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực liên quan. Trong vài năm gần đây, dịch vụ thanh toán và hoàn tất đơn hàng tăng trưởng nhanh chóng với công nghệ hiện đại đã góp phần thúc đẩy TMĐT nói chung và bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh mẽ. Hoạt động xuất khẩu trực tuyến hình thức doanh nghiệp tới người tiêu dùng cuối cùng (B2C) bước sang giai đoạn mới.
Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2024 đã chỉ ra hai xu hướng lớn của TMĐT việt Nam: rác thải nhựa và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thứ nhất, rác thải nhựa từ thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ chất thải nhựa. Sự phát triển nhanh chóng của TMĐT, bao gồm lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ trong những năm qua gây thêm tác động tiêu cực tới môi trường. TMĐT sử dụng nhiều bao bì, vật liệu nhựa song tỷ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng còn rất thấp. Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam, năm 2023 TMĐT ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Tới năm 2030 khi quy mô TMĐT Việt Nam đạt gần 100 tỷ USD, nếu không có các giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hóa, lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này sẽ lên tới 800 nghìn tấn.
Rác thải nhựa từ thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng.
Theo báo cáo "Phát triển TMĐT với bảo vệ môi trường" do VECOM công bố, trong năm 2024, có tới 80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá TMĐT gây ra tác động xấu hoặc rất xấu tới môi trường, 21% cho rằng TMĐT gây ra tác động xấu tới môi trường nhiều hơn thương mại truyền thống. Nhiều khách hàng vẫn chưa chọn giải pháp thân thiện với môi trường được cung cấp trên các sàn TMĐT hay website bán hàng vì phải trả thêm tiền.
Về các giải pháp để TMĐT thân thiện với môi trường, 79% khách hàng trực tuyến cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng ban hành và phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường trong TMĐT, 71% đề xuất các doanh nghiệp và thương nhân bán hàng trực tuyến phải công bố các lựa chọn thân thiện môi trường để khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định. Trong khi đó, 61% người tiêu dùng gợi ý sự cần thiết của các hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người mua sắm trực tuyến.
Thứ hai, TMĐT xuyên biên giới trở thành xu hướng tất yếu
Theo VECOM, hoạt động TMĐT xuyên biên giới hay xuất nhập khẩu trực tuyến ngày càng phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, từ đại dịch COVID-19, hình thức giao dịch xuất khẩu trực tuyến giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hình thức giao dịch xuất khẩu trực tuyến giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) lại tăng trưởng mạnh.
Theo ước tính của Access Partnership tại báo cáo “Người tiêu dùng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu năm 2022”, xuất khẩu trực tuyến tới người tiêu dùng cuối cùng của Việt Nam năm 2022 đạt 3,5 tỷ USD. Báo cáo đánh giá với việc triển khai xuất khẩu như vài năm gần đây của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, kim ngạch xuất khẩu năm 2027 sẽ đạt 5,5 tỷ USD. Nhưng với kịch bản triển khai đồng bộ và mạnh mẽ của cả doanh nghiệp và các bên liên quan, con số này sẽ là 13 tỷ USD vào năm 2027.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, 53% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn giao dịch TMĐT.
Với sự hỗ trợ đắc lực từ TMĐT, xuất khẩu trực tuyến Việt Nam sẽ bước từ giai đoạn khởi động sang giai đoạn cất cánh, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt.
Theo báo cáo cuối năm 2023 của Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%. Tổng quan, TMĐT xuyên biên giới đã tăng trưởng 28,5% so với năm trước.
TMĐT xuyên biên giới được coi như là đòn bẩy vô cùng quan trọng trong việc hoạt động xuất khẩu. Theo báo cáo của Bộ Công Thương năm 2023, khảo sát cho thấy, 53% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn giao dịch TMĐT. 47% DN đã có sử dụng website hoặc ứng dụng tương tự mà họ tự xây.
Cũng theo khảo sát của Bộ Công Thương, khoảng 60% doanh nghiệp cho biết, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới chiếm khoảng 10-30% tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.
Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế.
Nguyệt Minh