Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thành Long)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, viện nghiên cứu, lãnh đạo nhiều hiệp hội, doanh nghiệp lớn, đại diện lãnh đạo hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước và các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông-châu Phi.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nêu tầm quan trọng của việc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016 - 2025”, qua đó xây dựng định hướng hợp tác với khu vực trong giai đoạn tới trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh triển khai các Nghị quyết chiến lược về hoàn thiện thể chế; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tư nhân,
Thứ trưởng khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, sâu sắc và toàn diện hơn, với nhiều cơ chế, lĩnh vực hợp tác mới được khai mở.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Thành Long)
Việt Nam đã hoàn tất việc thiết lập quan hệ ngoại giao với toàn bộ các nước trong khu vực Trung Đông-châu Phi, lần đầu tiên thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quan trọng ở khu vực như Liên đoàn Arab, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và chính thức trở thành Quan sát viên của Liên minh châu Phi,…
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với khu vực đạt nhiều kết quả tích cực, tiếp tục là trụ cột trong quan hệ song phương và mở ra không gian phát triển mới cho người dân và doanh nghiệp hai bên.
Các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương đánh giá Trung Đông-châu Phi là thị trường rộng lớn và còn nhiều tiềm năng. Các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên có tính bổ sung cao và Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang khu vực, trong đó có các sản phẩm đạt chứng chỉ Halal.
Tuy nhiên, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước trong khu vực vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu hành lang pháp lý về hợp tác kinh tế, trong đó có hiệp định hợp tác mang tính chất nền tảng như Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư; mạng lưới cơ quan đại diện của cả Nhà nước và doanh nghiệp tại các khu vực còn rất ít; nguồn lực cho hợp tác với các nước Trung Đông-châu Phi còn hạn chế; các điều kiện về hạ tầng, hậu cần, vận chuyển, thanh toán còn thiếu...
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương nêu đánh giá tình hình thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông-châu Phi năm vừa qua. (Ảnh: Thành Long)
Để chuẩn bị cho giai đoạn hợp tác mới, các đại biểu đã nêu các đề xuất nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác với khu vực, trong đó tập trung làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước, xác định trọng tâm, trọng điểm cả về diện đối tác và lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý và xác định các biện pháp mở rộng không gian thương mại, đầu tư hai chiều của Việt Nam sang hai khu vực. Căn cứ các kết quả đã đạt được, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các định hướng hợp tác với các khu vực trong các giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng một lần nữa khẳng định Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực luôn sẵn sàng hỗ trợ, sát cánh, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông-châu Phi phát triển thực chất, hiệu quả hơn, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.
Thành Long