Đưa sản phẩm OCOP An Giang về vùng biên giới, dân tộc

Đưa sản phẩm OCOP An Giang về vùng biên giới, dân tộc
14 giờ trướcBài gốc
Tổ chức đa dạng
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu, nhằm góp phần thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đơn vị đã tích cực phối hợp cùng các ngành, địa phương tổ chức “Phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP đến vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang” tại các địa phương: An Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, tiềm năng OCOP đến người tiêu dùng (NTD) tại các địa phương trong tỉnh; giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và biên giới có dịp tiếp cận các sản phẩm “sinh ra từ làng” nổi tiếng của An Giang.
“Công tác quảng bá đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp (DN), chủ thể OCOP từng bước tiếp cận, giới thiệu sản phẩm đến với NTD, xây dựng hình ảnh và xác lập uy tín. Nếu việc chọn lựa, xây dựng, phân hạng sản phẩm tốt đến đâu, mà không được xúc tiến để tiêu thụ, thì mọi việc đều trở nên vô nghĩa. Do đó, chúng tôi tổ chức các phiên chợ đưa sản phẩm OCOP về với các địa phương nhằm giúp chủ thể tiếp cận với khách hàng nội tỉnh, để nắm được thị trường “sân nhà” trước khi tính đến chuyện vươn xa hơn” - ông Lê Trung Hiếu phân tích.
Tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP An Giang đến vùng biên giới, dân tộc, vùng sâu, vùng xa
Ông Lê Trung Hiếu cho rằng, các phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP An Giang về với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc sẽ giúp DN, chủ thể OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, góp phần thúc đẩy họ phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Đồng thời, phiên chợ cũng giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP An Giang trên thị trường.
Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Thanh Sơn cho hay, địa phương rất ủng hộ các sở, ngành tổ chức phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP tại địa phương, nhất là ở khu vực biên giới. Qua đó, tạo cơ hội để các DN, hợp tác xã và nhà sản xuất gặp gỡ, kết nối, trao đổi kinh nghiệm, nhu cầu kinh doanh với DN địa phương. Đặc biệt, phiên chợ cũng nâng cao nhận thức của người dân biên giới An Phú về việc ủng hộ, sử dụng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang, góp phần ngăn chặn có hiệu quả việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi NTD.
Tích cực quảng bá
Là chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao mắm cá linh Út Nhanh, ông Trần Văn Nhanh cảm thấy phấn khởi khi được ngành chuyên môn, địa phương hỗ trợ tham gia các sự kiện mang tính quảng bá sản phẩm OCOP. Ông Nhanh chia sẻ, thương hiệu mắm Út Nhanh đã hình thành khoảng 40 năm, được NTD trong, ngoài huyện An Phú biết đến. Khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cũng đã tạo đà để thương hiệu mắm Út Nhanh xác lập uy tín trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm của ông phân phối ở khá nhiều địa phương, gồm các tỉnh miền Tây, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…
“Tôi rất mong sẽ được ngành chuyên môn, địa phương tiếp tục hỗ trợ tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến NTD. Thông qua những sự kiện này, sản phẩm của tôi được bà con địa phương tin tưởng, ủng hộ nhiều hơn. Thời gian qua, tôi đã tham gia nhiều các sự kiện mang tính quảng bá, kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP, bởi đây là dịp tôi có thêm đối tác kinh doanh và nguồn khách hàng mới” - ông Nhanh khẳng định.
Cùng mong mỏi trên, anh Nguyễn Anh Quân, đại diện cơ sở sản xuất Năm Mai (xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn), mong muốn sản phẩm rượu nho rừng của mình được góp mặt tại nhiều sự kiện kết nối, quảng bá sản phẩm để có thêm khách hàng. Với chất lượng sản phẩm thơm ngon, rượu nho rừng Năm Mai được NTD tại huyện Thoại Sơn biết đến nhiều năm qua. Dự kiến, cơ sở sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 500 - 600 chai rượu trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ đơn đặt hàng có trước. Hiện nay, anh Quân đang nghiên cứu nâng cao mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp hơn, sang trọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành sản phẩm gắn với du lịch, làm quà tặng để đa dạng tệp khách hàng.
Bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chuyên môn và địa phương, các chủ thể OCOP cần tích cực thực hiện công tác quảng bá sản phẩm thông qua nhiều kênh khác nhau, như truyền thông, mạng xã hội, nhất là các nền tảng thương mại điện tử. “Sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước chỉ dừng lại ở mức độ “tạo đà”, điều quan trọng là các chủ thể OCOP cần nâng cao tinh thần tự lực, chủ động trong việc quảng bá, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong đó, việc ứng dụng thương mại điện tử đang cho thấy hiệu quả thực tế, cần được vận dụng phù hợp, hiệu quả hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ chủ thể OCOP An Giang tăng cường kết nối, đặc biệt là ứng dụng thương mại điện tử nhằm đa dạng hóa nguồn khách hàng trên cả nước” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu xác định.
THANH TIẾN
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/dua-san-pham-ocop-an-giang-ve-vung-bien-gioi-dan-toc-a412127.html