Chương trình thu hút hơn 100 sản phẩm đặc trưng của địa phương tham gia, đại diện cho nhiều ngành nghề và địa phương trên địa bàn. Từ nước mắm, bánh dừa nướng, trà thảo mộc đến cà phê túi lọc, thực phẩm chức năng... đều được giới thiệu sinh động qua các gian hàng thực tế và trong phiên livestream trực tuyến.
Theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Nam), việc đưa sản phẩm OCOP lên các nền tảng số như TikTok không chỉ là hình thức giới thiệu mới, mà còn nằm trong chiến lược lâu dài chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP. Livestream không đơn thuần là bán hàng, mà còn là cầu nối để các chủ thể OCOP tiếp cận người tiêu dùng hiện đại, học hỏi mô hình kinh doanh mới”.
Trước đó, Quảng Nam cũng đã tham gia chương trình livestream chung với TP. Đà Nẵng. Hàng trăm đơn hàng đã được bán ra trong phiên phát sóng, giúp kết nối hiệu quả sản phẩm OCOP với người tiêu dùng cả nước. Các sản phẩm được chọn lọc, cam kết về chất lượng và có sự hỗ trợ truyền thông, vận hành bởi TikTok Shop Partner.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc bán hàng trên nền tảng số vẫn còn nhiều thách thức đối với các chủ thể OCOP ở xứ Quảng. Bởi, phần lớn là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, còn thiếu kinh nghiệm trong vận hành gian hàng online, kỹ năng livestream còn yếu và chưa quen với cách tiếp cận người tiêu dùng qua mạng xã hội.
Một số sản phẩm đặc sản bán trên buổi livestream tăng đột biến
Để hỗ trợ, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tập huấn kỹ năng livestream, quảng bá và bán hàng trên TikTok cho các chủ thể OCOP. Tại đây, các chủ cơ sở được hướng dẫn đăng ký tài khoản, tạo nội dung, lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu người xem, cũng như nắm được các nguyên tắc cơ bản khi “lên sóng” hiệu quả.
Hiện toàn tỉnh Quảng Nam có 493 lượt sản phẩm được công nhận OCOP từ 386 chủ thể, trong đó có 299 sản phẩm còn hiệu lực, với 274 sản phẩm đạt 3 sao, 23 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao. Việc cải tiến mẫu mã, đầu tư bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... đã giúp sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao. Chương trình OCOP đang ngày càng khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế nông thôn. Với việc đưa sản phẩm OCOP lên các nền tảng số như TikTok không chỉ giúp mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tiếp thị của người dân địa phương trong thời đại công nghệ số.
Trung Anh