Dừa Thiện Nghiệp được giá nhưng mất mùa

Dừa Thiện Nghiệp được giá nhưng mất mùa
8 giờ trướcBài gốc
Vườn dừa Thiện Nghiệp khi chưa bị sâu tấn công (ảnh Ngọc Lân)
Hiện tại, thương lái thu mua giá dừa xiêm xanh tại các vườn Thiện Nghiệp là 10.000 đồng/trái, tăng so với các tháng trong năm 2024 (khoảng 6.000 đồng/trái). Dự báo, giá dừa có thể tiếp tục tăng với giá bán 12.000 đồng/trái trong những ngày sát tết do nguồn cung giảm và nhu cầu tăng cao. Nguyên nhân chính dẫn đến giá dừa tăng mạnh vào thời điểm này là do nhu cầu tiêu thụ dừa tươi uống nước và sử dụng dừa làm nguyên liệu chế biến thực phẩm tăng cao, đặc biệt trong dịp lễ, tết. Dừa không chỉ được sử dụng để giải khát mà còn đóng vai trò quan trọng trong chế biến nhiều loại thực phẩm phục vụ tết cổ truyền. Điều này làm cho thị trường tiêu thụ dừa trở nên sôi động ở các tỉnh có vùng chuyên canh dừa và lan tỏa đến các vùng khác như Bình Thuận.
Tuy nhiên, tại Thiện Nghiệp, không phải tất cả người trồng dừa đều được hưởng lợi từ việc giá tăng vào dịp này. Chị Nguyễn Thị Hoàng (xã Thiện Nghiệp) chia sẻ: Những năm trước, mỗi dịp tết gia đình thu hoạch khoảng 1.000 trái dừa, nhưng năm nay sản lượng giảm mạnh, chỉ còn vài trăm trái. Nguyên nhân chính là do sâu đầu đen phá hoại khiến lá dừa héo úa, mất diệp lục và chết dần. Dẫu nhiều biện pháp phòng trừ được áp dụng, nhưng cây dừa chưa phục hồi. Vì vậy, người trồng dừa mà bị sâu bệnh tấn công không thể tận dụng cơ hội để tăng thu nhập dịp này.
Dừa Thiện Nghiệp bị sâu đầu đen tấn công. Ảnh: Trang Minh
Tình trạng “được giá mất mùa - được mùa mất giá” là câu chuyện không còn xa lạ, là bài toán nan giải trong nông nghiệp. Khi được mùa, sản lượng cao dẫn đến giá giảm do cung vượt cầu. Ngược lại, khi mất mùa, sản lượng thấp khiến giá tăng nhưng người trồng không có đủ sản phẩm để bán, dẫn đến thiệt hại lớn. Tại Thiện Nghiệp, năm nay là một điển hình của tình trạng này. Mặc dù giá dừa tăng lên, nhưng sản lượng giảm mạnh đã khiến nông dân đối mặt với khó khăn kép. Đó là vừa mất sản phẩm, vừa phải gánh chi phí phòng trừ sâu bệnh.
Được biết, với diện tích 263 ha dừa, xã Thiện Nghiệp hiện có 19,7 ha bị sâu đầu đen phá hoại, tập trung chủ yếu tại thôn Thiện Trung và Thiện Bình. Con số này tăng so với năm 2023 (10,9 ha) và chủ yếu ảnh hưởng đến các vườn dừa từ 3 năm tuổi trở lên. Lá dừa bị sâu đầu đen tấn công héo úa, mất diệp lục, cây dừa dần chết, gây thiệt hại lớn cho người dân. Nhiều nông dân nỗ lực áp dụng các biện pháp phòng trừ nhưng hiệu quả chưa cao, dẫn đến tình trạng nguồn cung dừa giảm mạnh dù giá cả tăng lên đáng kể.
Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ, các giải pháp đồng bộ được thực hiện như thường xuyên kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu sâu bệnh ngay từ sớm; xây dựng mạng lưới quản lý sâu bệnh ngăn chặn lây lan; sử dụng thiên địch tự nhiên để diệt sâu đầu đen nhằm giảm thiểu việc lạm dụng thuốc hóa học, bảo vệ môi trường và hạn chế tình trạng sâu bệnh kháng thuốc.
TRANG MINH
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/dua-thien-nghiep-duoc-gia-nhung-mat-mua-127501.html