Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học: Không chỉ hô hào khẩu hiệu

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học: Không chỉ hô hào khẩu hiệu
một ngày trướcBài gốc
Các chuyên gia, nhà giáo chia sẻ giải pháp từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
Tọa đàm "Dạy và học ngoại ngữ: Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường" được tổ chức trong 2 ngày 20-21/2 tại Hà Nội. Tọa đàm do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức. Sự kiện có sự tham gia 150 đại biểu trực tiếp và khoảng 200 đại biểu trực tuyến.
Yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao
Phát biểu khai mạc, GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, mục đích của Tọa đàm nhằm đánh giá bối cảnh dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam, xác định khoảng cách và cơ hội; trong đó tập trung vào ba lĩnh vực: thành tích học sinh, chất lượng giáo viên và tiếng Anh trong giáo dục.
Tọa đàm cũng nhằm thu thập ý kiến của các bên liên quan về ưu tiên và tính khả thi của các khuyến nghị chính sách; đồng thời khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan trong quy trình xây dựng và thay đổi chính sách.
GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.
Thực tế, tiếng Anh là môn học được đầu tư nhiều. GS.TS Lê Anh Vinh nhìn nhận, 10 năm qua, chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường được cải thiện, nhờ đó năng lực ngoại ngữ của học sinh từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, tại những vùng khó khăn, tiếng Anh vẫn được coi là “vùng trũng”.
Để khuyến khích học sinh học tiếng Anh, GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng, chúng ta không chỉ hô hào khẩu hiệu: tiếng Anh là môn học quan trọng, mà cần tiếp cận theo hai phương diện: Nhu cầu và cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngoài việc nâng cao chất lượng dạy – học trong nhà trường, GS.TS Lê Anh Vinh cho hay, mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học nhằm từng bước chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vì thế, chúng ta cần xác định lộ trình cụ thể, từng bước triển khai hiệu quả để hiện thực hóa Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học...".
Các chuyên gia tham dự Tọa đàm.
Khẳng định, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, dạy - học ngoại ngữ cần được nhìn nhận trong bối cảnh toàn cầu, nơi ngoại ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là phương tiện tiếp cận tri thức.
“Sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy các môn học sẽ tạo ra môi trường ngôn ngữ tự nhiên, giúp học sinh phát triển tư duy đa chiều và khả năng thích ứng với thách thức”- GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh.
Gieo niềm tin cho giáo viên và học sinh
Ông James Shipton - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm.
Từng là giáo viên tiếng Anh, ông James Shipton - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ GD&ĐT, các viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Thông qua việc sử dụng chuyên môn và nguồn tài liệu phong phú trong các lĩnh vực về giảng dạy, đào tạo giáo viên và đánh giá tiếng Anh, Hội đồng cam kết đồng hành, chia sẻ nguồn lực, trong đó có đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh tại Việt Nam. “Sự tham gia của Hội đồng Anh trong sự kiện này chính là một minh chứng cho cam kết đó” - ông James Shipton bày tỏ.
Gửi lời cảm ơn đến Hội đồng Anh tại Việt Nam và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia chia sẻ, chúng ta đang định hướng, hình thành năng lực tiếng Anh để có thể áp dụng trong cuộc sống, công việc.
Làm sao để đến năm 2045, các trường học có thể tự tin là đang sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, dùng tiếng Anh để dạy - học các môn học khác và giao tiếp trong nhà trường.
TS Nguyễn Thị Mai Hữu phát biểu tại Tọa đàm.
TS Nguyễn Thị Mai Hữu bày tỏ, chúng ta có mặt ở đây vì có cùng chung mong muốn, tầm nhìn về Việt Nam - nơi mọi học sinh đều có cơ hội học tập và sử dụng tiếng Anh không chỉ trong giao tiếp hằng ngày, mà còn trong việc tiếp thu tri thức ở các môn học khác.
“Tham gia Tọa đàm, chúng ta cần ý thức rằng, sứ mệnh của chúng ta không chỉ đơn thuần là giảng dạy một ngôn ngữ, mà quan trọng hơn là truyền tải những nội dung, tư duy và giá trị mà ngôn ngữ ấy mang lại” - TS Nguyễn Thị Mai Hữu nhấn mạnh.
Trao đổi tại Tọa đàm, TS Trần Thị Lan Anh – giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, từ tổng hợp phản hồi của các giáo viên cho thấy, nếu không thay đổi kiểm tra đánh giá thì phương pháp của giáo viên sẽ không thay đổi. Ngoài ra, giáo viên cần cải thiện năng lực giao tiếp, phát âm và cần thêm hỗ trợ tài chính, chứng chỉ để công nhận nỗ lực của giáo viên trong việc nâng cao năng lực.
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên mong muốn được tập huấn, bồi dưỡng nhiều hơn để nâng cao năng lực dạy học tiếng Anh, nhất là với giáo viên vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Cùng với đó, cần đầu tư vào nhóm sinh viên sư phạm, nâng chuẩn cho nhóm giáo sinh này – có thể là chuẩn B2 để khi ra trường có thể hỗ trợ giáo viên khác dạy tiếng Anh.
Theo TS Nguyễn Thu Lệ Hằng – giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cần tăng cường giao tiếp và tương tác 2 chiều cho học sinh thông qua nhiều hình thức khác nhau như: tranh biện, trình bày, báo cáo thông qua việc học. Các hình thức đánh giá cần phát huy được năng lực sử dụng Ngôn ngữ trong cuộc sống.
Cùng với đó, tăng cường Công nghệ trí tuệ nhân tạo để tăng sự tiếp cận của học sinh các vùng, miền đặc biệt là các vùng khó khăn. Từ đó, tạo ra hệ thống trực tuyến để học sinh có thể làm việc được, kể cả đối với các bạn ngoài nước.
Ông Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) trao đổi tại Tọa đàm.
Chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng là: từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, ông Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận. Do đó, cần thay đổi tư duy, nhận thức trong từng người.
Bằng sự say mê, quyết tâm, nhiệm vụ trước mắt của thầy, cô giáo là thay đổi suy nghĩ của phụ huynh học sinh. Hãy gieo niềm tin cho học sinh khám phá thế giới. Các nhà trường hãy vào cuộc, làm những điều có thể để tạo ra những sự thay đổi đầu tiên.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Tạ Ngọc Trí cho rằng, cần xác định: thế nào là ngôn ngữ thứ 2 – có các tiêu chí cụ thể - cho từng cấp độ ở cơ sở giáo dục: trường bình thường – trường tốt – trường tốt hơn, từ đó có cách làm phù hợp.
Tọa đàm "Dạy và học ngoại ngữ: Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường" được tổ chức trong bối cảnh việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên và từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 91-KL/TW. Chương trình ngày đầu tiên (ngày 20/2) bắt đầu với báo cáo tổng quan về thành tựu và thách thức của việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam.
Tiếp theo là ba phiên thảo luận chuyên sâu về kết quả học tập của học sinh, chất lượng giáo viên, và việc triển khai giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh (EME). Mỗi phiên thảo luận bao gồm báo cáo thực trạng, đối thoại mở về các ưu tiên và thách thức, cùng thảo luận chuyên sâu về các khuyến nghị chính sách.
Ngày thứ hai (21/2), Tọa đàm tập trung vào việc xây dựng tầm nhìn cho kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam sau năm 2025. Các phiên làm việc sẽ tổng hợp những phát hiện chính từ các cuộc thảo luận ngày đầu tiên và đi sâu vào việc hoàn thiện các khuyến nghị chính sách cho từng lĩnh vực trọng tâm.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi bên lề.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo đã thảo luận sâu sắc và toàn diện về ba vấn đề cốt lõi: kết quả học tập của học sinh, chất lượng đội ngũ giáo viên và việc triển khai giảng dạy các môn học/chuyên ngành khác bằng tiếng Anh. Đây là một trong những cơ sở quan trọng giúp các nhà quản lý, nhà giáo xây dựng và triển khai hệ thống giảng dạy tiếng Anh hiệu quả, hướng tới mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các trường học ở Việt Nam.
Minh Phong
Ảnh: Trần Hiệp.
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-2-trong-truong-hoc-khong-chi-ho-hao-khau-hieu-post720371.html