Tiết học tiếng Anh tại Trường THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Lan Anh.
Năm học 2025 - 2026, các địa phương thực hiện tuyển sinh vào 10 THPT công lập đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Dù ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc với mọi tỉnh, thành nhưng ghi nhận thực tế có gần 60 địa phương chọn Tiếng Anh là môn thứ 3 thi lớp 10, bên cạnh Toán và Ngữ văn; duy nhất Hà Giang thi Lịch sử và Địa lý trong khi 3 tỉnh Cà Mau, Gia Lai và Vĩnh Long xét tuyển vào lớp 10 đại trà bằng học bạ. Một số nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Lào Cai... thi ngoại ngữ (gồm Tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác).
Trước đó, với Chương GDPT 2006, phần lớn các địa phương thường lựa chọn 3 môn thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, rất ít địa phương lựa chọn các môn thi khác. Khi chuyển sang chương trình mới, có nhiều chuyên gia đã băn khoăn về việc nếu các địa phương không chọn môn thi thứ ba là ngoại ngữ thì chất lượng dạy học Tiếng Anh sẽ bị giảm sút do học sinh lơ là hơn. Mặc dù năm nay Tiếng Anh vẫn chiếm ưu thế nhưng với quy định của Bộ GDĐT là phải bảo đảm không chọn cùng một môn quá 3 năm liên tiếp.
Riêng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, phương án thi 2 môn bắt buộc và học sinh tự chọn 2 môn trong số các môn học theo Chương trình GDPT 2018, tỷ lệ học sinh lựa chọn thi môn Tiếng Anh được nhiều địa phương dự báo sẽ không cao như Lào Cai, Yên Bái… Trong khi đó, ở các thành phố lớn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhiều học sinh chọn thi ngoại ngữ. Đơn cử, Sở GDĐT Hà Nội vừa tổ chức khảo sát với hơn 117.000 học sinh lớp 12, có 61.000 học sinh, tương đương 52% lựa chọn thi Tiếng Anh, nhiều nhất trong số các môn tự chọn. Kết quả trung bình môn Tiếng Anh của kỳ thi này đạt 6,32 điểm. Đây cũng là một trong những địa phương có kết quả thi môn Tiếng Anh luôn nằm trong top điểm cao nhất nước cùng với TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh cao không không đồng nghĩa với việc năng lực ngoại ngữ của học sinh tốt. TS Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng khoa Sư phạm tiếng Anh (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, điểm tuyển sinh đầu vào của trường những năm gần đây rất cao, như ngành ngôn ngữ Anh phải đạt trung bình 9 điểm/môn. Tuy nhiên, khi nhà trường thực hiện bài khảo sát, mặc dù đa số học sinh đạt 9 điểm Tiếng Anh trong kì thi tốt nghiệp THPT nhưng phần lớn trong số đó chỉ đạt trình độ B1 (bậc 3) theo bài thi phân loại của nhà trường. Điều này phản ánh việc học để thi đạt được điểm cao theo cách ra đề của kì thi tốt nghiệp mà không đồng nghĩa là phát triển được năng lực ngoại ngữ của học sinh. Nhiều em nghe nói không được, đọc khó khăn khiến việc học sẽ vất vả hơn. Vì vậy, để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học cần nhiều giải pháp đồng bộ trong dạy và học.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ GDPT (Bộ GDĐT) chỉ ra khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn tuyển giáo viên môn Tiếng Anh. Bộ Chính trị và Chính phủ đã giao biên chế cho các địa phương. Các địa phương cũng rất trách nhiệm, tìm mọi cách để tuyển đội ngũ giáo viên môn Tiếng Anh song toàn quốc vẫn thiếu một số lượng giáo viên theo quy định đối với môn Tiếng Anh.
Giải pháp cho vấn đề này là tiếp tục ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn Tiếng Anh với những địa phương còn thiếu. Tăng cường truyền thông rộng rãi và xây dựng chính sách từ địa phương để thu hút lực lượng giáo viên môn Tiếng Anh về công tác tại địa phương mình. Xây dựng phương án đào tạo giáo viên theo hình thức đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ…
Kinh nghiệm quốc tế
Tại nhiều quốc gia, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục và được giảng dạy từ rất sớm. Trong đó, thách thức lớn của tất cả các quốc gia đó là làm sao để đảm bảo chất lượng giảng dạy đồng đều trên toàn hệ thống giáo dục, đặc biệt là giữa các khu vực thành thị và nông thôn.
Giải pháp từ Chính phủ Hàn Quốc đó là tăng cường đào tạo giáo viên địa phương, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh trên toàn quốc. Tương tự, Chính phủ Indonesia cũng triển khai các chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh và nâng cao kỹ năng giảng dạy. Đồng thời, thử nghiệm các phương pháp giảng dạy tiếng Anh thông qua công nghệ để cung cấp cơ hội học tập cho học sinh ở mọi khu vực.
Thu Hương