Đưa tin siêu bão Yagi

Đưa tin siêu bão Yagi
3 giờ trướcBài gốc
Lúc 14h45 ngày 6 tháng 9, gần một ngày trước khi bão Yagi đổ bộ Hải Phòng và Quảng Ninh, chúng tôi nhận lệnh của lãnh đạo Đài: “Mười lăm phút nữa bản tin Breaking News về siêu bão phải lên sóng trực tiếp bằng tất cả thông tin và chất liệu chúng ta có”.
Dù đã quen tác nghiệp sự kiện nóng, nhưng đó là lần đầu tiên Trung tâm Tin tức của Đài Hà Nội thực hiện Breaking News theo đúng nghĩa “phá khung sóng sẵn có, thay bằng tin tức nóng, đột xuất”. Mục tiêu lãnh đạo đài đưa ra là “Đài Hà Nội phải nằm trong Top 5 kênh dẫn đầu về số lượng người xem tin bão Yagi”.
Thực tế, chúng tôi mới chỉ phác thảo kế hoạch phát sóng trực tiếp từ hiện trường (live) vào ngày bão đổ bộ các tỉnh thành ven biển phía Bắc. Địa điểm live cũng chưa được chốt bởi theo trải nghiệm tác nghiệp, đường đi của các siêu bão bất thường và khó đoán định.
Tuy nhiên, thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, rồi các đài khí tượng quốc tế trong khu vực đều trùng khớp nhận định hướng đi của Yagi - Cơn bão số 3. Bão chắc chắn đổ bộ vào: Hải Phòng, Quảng Ninh.
Đường đi của Bão Yagi thời điểm ngày 6/9. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Sáng sớm 6/9, hơn một ngày trước khi bão về, Trung tâm Tin tức cùng Trung tâm Phát thanh cử 4 kíp phóng viên đi “đón” bão ở các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định. Tuy nhiên, hình ảnh phóng viên chuyển về Đài chiều hôm đó vẫn là bầu trời xanh ngắt, nắng nhẹ cùng sóng biển liu riu. Khung cảnh lãng mạn đó không hề cho thấy dấu hiệu của một siêu bão sắp ập đến. Nhưng người dân ven biển nói rằng, bầu trời trước bão càng đẹp thì bão càng tàn khốc.
15h ngày 6/9, tổ chức sản xuất Nhật Minh hô khẩu lệnh quen thuộc “lên hình”, ngắn gọn và dứt khoát sau vài phút căng thẳng hội ý với anh chị em trường quay. Trung tâm Nội dung số đồng thời tiếp luồng live trên các nền tảng số với dòng chữ màu đỏ BREAKING NEWS - CƠN BÃO SỐ 3. Tin tức dồn dập lên sóng, qua màu giọng thời sự của MC Xuân Thúy lại càng thêm nóng hổi. Số người xem bản tin bão số 3 trên truyền hình và các nền tảng số của Đài có lúc lên đến hàng trăm ngàn.
Nhưng chúng tôi hiểu rằng ý nghĩa của việc “phá khung sóng” không chỉ ở số lượt công chúng theo dõi. Quan trọng hơn, rất nhiều người đã nhận được lời cảnh báo mức độ nguy hiểm của siêu bão mạnh nhất năm 2024 cùng thông tin chỉ dẫn cách ứng phó, tránh trú an toàn.
0h sáng 7/9, Chủ tịch Hội đồng biên tập, Tổng Giám đốc Đài Nguyễn Kim Khiêm triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo Trung tâm Tin tức cùng các bộ phận liên quan tại Sa Đôi. Lúc này, bão cách Quảng Ninh, Hải Phòng chừng 200km, giữ cấp 14, giật cấp 17. Ông yêu cầu Trung tâm Tin tức thực hiện BẢN TIN ĐẶC BIỆT - BÃO SỐ 3 ngay từ sáng sớm và giữ sóng trực tiếp liên tục trong ngày.
Một chút căng thẳng, hồi hộp khiến chúng tôi không thể chợp mắt. Bên ngoài ô cửa kính đã thấy mưa lây phây cùng tiếng gió réo rắt. “BÃO SỐ 3 YAGI BẮT ĐẦU ẢNH HƯỞNG MIỀN BẮC” là tên Bản tin đặc biệt phát trực tiếp lúc 6h sáng 7/9 trên Đài Hà Nội cùng các nền tảng số.
Đài tăng cường thêm phóng viên Trung tâm Tin tức và các ban chuyên đề tỏa đi các đường phố để ghi nhận tình hình phòng, chống bão của Hà Nội. Phố phường sáng thứ Bảy tĩnh lặng, tất cả dường như nín thở trước thời khắc cơn bão lịch sử ập đến.
Chúng tôi liên tục phát đi cảnh báo kêu gọi người dân ở trong nhà và cập nhật diễn biến đường đi của bão từng giờ. Qua truyền hình trực tiếp của phóng viên Đài Hà Nội từ Hải Phòng và Quảng Ninh, khán giả Thủ đô và cả nước bắt đầu cảm nhận rõ rệt hơn sức mạnh hủy diệt của cơn bão.
13h45 ngày 7/9, bão Yagi chính thức thức đổ bộ vào hai tỉnh thành ven biển. Bầu trời như chìm trong màn đêm, cuồng phong rít lên từng cơn trong tiếng mưa sầm sập. Biển quảng cáo, những mái nhà lợp tôn, gạch ngói, đất đá… đều bị gió thổi bay tứ tán trong không trung.
Nhóm phóng viên của Trung tâm Tin tức cũng kíp quay phim tại Hải Phòng lúc này bị cô lập trong một căn phòng hướng ra biển. Gió lốc làm vỡ tung cửa kính, nước mưa hắt vào trong phòng ngập đến mắt cá chân. Các phóng viên đã phải dùng đệm giường làm tấm khiên che chắn hàng trăm mảnh kính vỡ. Đúp dẫn hiện trường bằng điện thoại của phóng viên Quốc Dũng trong bối cảnh này là lời cảnh báo chân thực sức tàn phá của bão. “Suốt mấy chục năm đưa tin bão lũ, chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào khủng khiếp như thế”, phóng viên Đỗ Bắc chia sẻ sau chuyến tác nghiệp này.
Hơn một tiếng trước khi bão Yagi đổ bộ Hà Nội, Tổng Giám đốc triệu tập cuộc họp khẩn với các Ủy viên Hội đồng Biên tập tại Trung tâm Tin tức. Ông nói hình ảnh tạo cảm xúc mạnh nhất đối với người dân Hà Nội lúc này chính là Hồ Gươm và cần phải có người dẫn chương trình tại hiện trường.
Nhưng ai có thể ra đó vào lúc mưa bão, sấm chớp thế này? Tất cả phóng viên thời sự tinh nhuệ nhất đã được điều động đi “đón” bão, Trung tâm Tin tức chỉ còn lại một vài MC và trợ lý sản xuất. Sau vài phút đắn đo, chúng tôi quyết định điều động MC Đỗ Hương. Trong lúc kíp tác nghiệp lao ra Hồ Gươm, chúng tôi có 15 phút để phác thảo kịch bản dẫn hiện trường.
20h45’ ngày 7/9 bão đổ bộ Hà Nội. Qua sóng truyền hình trực tiếp, khán giả Thủ đô lần đầu tiên nhìn thấy sóng Hồ Gươm, xung quanh ngổn ngang cây xanh gãy đổ cùng hàng ngàn trái sấu chín vung vãi trên phố. Hình ảnh Tháp rùa nhỏ bé nhưng vững vàng trong mênh mông sóng nước sau đó được lan tỏa trên mạng xã hội với hàng triệu lượt xem.
Một tiếng rưỡi quét qua Hà Nội, bão Yagi để lại khung cảnh tan hoang như bãi chiến trường với hàng vạn cây xanh ngã đổ. Thiệt hại vật chất không thể đong đếm hết, điều may mắn là thiệt hại sinh mạng đã được hạn chế ở mức thấp nhất.
Khung cảnh tại hồ Hoàn Kiếm sau khi bão Yagi đổ bộ với hàng loạt cây xanh gãy đổ.
Cuộc “marathon” tin tức của Đài Hà Nội trong ngày bão về kéo dài 17 tiếng nhưng chưa dừng lại…
Sáng 9/7, trong khi còn chưa hết sững sờ trước những tổn thất do bão Yagi gây ra ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, người dân cả nước lại bàng hoàng đón nhận thông tin sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ. Sự kiện này khởi đầu cho một loạt sự cố thiên tai sau đó ở các tỉnh phía Bắc. Hoàn lưu bão gây ra lũ quét, sạt lở đất khiến hàng hàng trăm người chết và mất tích. Tại Hà Nội, có thời điểm lũ sông Hồng vượt báo động 2, buộc chính quyền phải khẩn cấp di dời hàng ngàn người dân để đảm bảo an toàn.
Hơn 20 phóng viên, quay phim, kỹ thuật viên của Đài Hà Nội lên đường ghi nhận tình hình ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc. Có đến một nửa quân số toàn Đài được huy động cho “chiến dịch” đưa tin này. Từ lãnh đạo Đài cho đến các bộ phận nội dung, kỹ thuật, văn phòng, hậu cần liên tục họp thảo luận, rút kinh nghiệm để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho sản xuất các bản tin đặc biệt về lũ lụt.
Cảnh quay của Đài vào thời điểm mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên cao nhất trong lịch sự gần 20 năm (vượt báo động 2) đã đem đến cái nhìn chân thực, trực quan về sự dữ dội của dòng sông mẹ. Những tin bài phản ánh thiệt hại của người dân miền núi và câu chuyện Làng Nủ ở Lào Cai - nơi có hơn 60 người chết và mất tích đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt…
Trong một tuần diễn ra bão lũ đã có hàng chục triệu lượt tiếp cận và xem hàng ngàn tin bài trên truyền hình và các nền tảng số của Đài Hà Nội với thời lượng xem video lên tới gần 600.000 giờ giờ. Tin tức chạm tới cảm xúc của công chúng đã góp phần khơi dậy yêu thương, sẻ chia của người dân Hà Nội và cả nước đối đồng bào các tỉnh phía Bắc.
Trong cuộc họp đánh giá của toàn Đài về tác nghiệp bão lũ, nhiều phóng viên nói rằng đó là trải nghiệm khó quên trong cuộc đời làm nghề. Tất cả dường như trưởng thành hơn về nghiệp vụ để tự tin dấn thân trong cuộc “marathon” tin tức bằng sức mạnh trái tim và tinh thần quả cảm.
Thực hiện: Minh Hoàn - Trung tâm Tin tức Đài Hà Nội
Thiết kế: Thanh Nga
Minh Hoàn
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/dua-tin-sieu-bao-yagi-266076.htm