Thời gian qua, không ít người đã bị xử lý vì chia sẻ những thông tin không chính xác lên mạng xã hội khiến người dân hoang mang. Tuy nhiên, những hành vi tương tự vẫn liên tiếp xảy ra.
Đăng "tin vịt", không kiểm chứng
Mới đây, Công an tỉnh Quảng Nam đã triệu tập để làm việc với HVT (ngụ xã Bình Minh) và PTC (ngụ xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) liên quan đến việc hai người này đã chia sẻ thông tin sai sự thật bắt cóc trẻ em.
Cụ thể, chiều 11-2, T và C lướt mạng xã hội Facebook thì thấy có thông tin cảnh giác bắt cóc trẻ em và đã chia sẻ lại thông tin này lên trang cá nhân của mình mà không kiểm tra tính chính xác của nguồn tin.
Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận và được rất nhiều tài khoản mạng xã hội khác chia sẻ, lan truyền. Vào cuộc xác minh, công an xác định thông tin bắt cóc trẻ em là tin thất thiệt.
Chị HC đã đưa thông tin thất thiệt về chiếc xe bắt cóc tại Đắk Lắk. Ảnh chụp màn hình
Tương tự, Công an huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cũng đã triệu tập chị HC (22 tuổi, ngụ thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) để củng cố hồ sơ xử lý chị này về hành vi tự chụp hình xe người khác rồi bịa chuyện xe bắt cóc, đăng lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận.
Cụ thể, sáng 12-2, chị C đăng tải hình ảnh một ô tô lên mạng xã hội Facebook kèm theo nội dung: "Xe bắt cóc nè, giờ tới Ea Súp mình rồi, mọi người cẩn thận nhé, đừng lại gần. Mọi người cảnh giác nhé". Sau đó, chủ ô tô là ông VQV (42 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) phát hiện bài đăng và đã trình báo cơ quan chức năng.
Tại cơ quan công an, chị HC đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin như trên là sai sự thật. Người này cho biết do suy nghĩ bồng bột, thiếu hiểu biết nên tự đăng tải thông tin gây ảnh hưởng đến mọi người.
Trách nhiệm pháp lý đến đâu?
Liên quan đến những vụ việc nêu trên, trao đổi với PLO, Luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hành vi chia sẻ, đăng tải thông tin không đúng sự thật, vi phạm trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội không mới. Thời gian qua Công an các địa phương đã xử phạt rất nhiều trường hợp tương tự như hai trường hợp nêu trên.
Đa phần các trường hợp cá nhân bị xử phạt đều chưa nhận thức được hậu quả của mình gây ra, chỉ nghĩ đơn giản là chia sẻ thông tin để gây hiếu kỳ, thu hút lượt tương tác trên mạng xã hội để bán hàng, câu view, câu like...
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách nghiêm túc là hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Thậm chí, không đơn giản là phạt hành chính mà người đăng tải thông tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Tội vu khống; tội làm nhục người khác; tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...(tùy thuộc vào hành vi, hậu quả của người thông tin sai sự thật gây ra).
Về chế tài hành chính, người đăng tải thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định14/2022).
Cụ thể, người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng.
Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Cũng theo Luật sư Trung, ngoài nguy cơ có thể bị xử lý hình sự, xử phạt hành chính (tùy từng vụ việc) thì người đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật còn có thể phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Thiệt hại ở đây có thể là vật chất hoặc danh dự, uy tín bị xâm phạm. Cụ thể, Điều 592 Bộ luật Dân sự quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: (1) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; (2) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; (3) Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra người vi phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Cách xác định thiệt hại để yêu cầu bồi thường
Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: Chi phí cần thiết cho việc thu hồi, xóa bỏ vật phẩm, ấn phẩm, dữ liệu có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút: Trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
Điều 9 Nghị quyết 02/2022 Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao
ĐẶNG LÊ