Dừa tươi tăng giá gấp đôi vẫn khan hiếm

Dừa tươi tăng giá gấp đôi vẫn khan hiếm
6 giờ trướcBài gốc
Nếu như trước đây, tại các chợ truyền thống và vựa kinh doanh, giá dừa tươi thường chỉ 10.000 đồng/trái nhưng từ cuối tháng 3, giá dừa tươi tăng ở mức 15.000 đồng/trái. Đến nay, dừa đã lên 21.000-22.000 đồng/trái và “cháy” hàng. Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay ở thị trường trong nước.
Tại các tỉnh ĐBSCL như Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh,.. là những địa phương có diện tích dừa nhiều nhất – người dân cho hay, giá dừa liên tục tăng rất mạnh và hút hàng làm cho nhiều hộ trồng dừa vô cùng phấn khởi.
Dừa tươi tăng giá kỷ lục, lên 21.000-22.000 đồng/trái những ngày gần đây.
Ông Nguyễn Văn Khởi, ở xã Bình Phú (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), cho hay, đã nhiều năm trồng dừa nhưng ít khi chứng kiến giá dừa tăng kỷ lục và hút hàng như lúc này. “Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá dừa được thương lái thu mua phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chỉ 100.000-120.000 đồng/chục thì nay giá vọt lên từ 200.000-210.000 đồng/chục, cao nhất trong nhiều năm qua. Gia đình tôi canh tác được 12 công dừa, với giá này cứ mỗi lần thu hoạch thì bỏ túi bạc triệu” – ông Khởi thông tin.
Ông Ngô Hữu Sự, Giám đốc HTX dừa Vạn Hưng, xã Bình Phú (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), chia sẻ: “HTX đang có nhu cầu thu mua mỗi ngày khoảng 30.000 trái dừa khô để cung ứng cho các nhà máy chế biến sản phẩm dừa các loại và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, cố gắng lắm chỉ mua được khoảng 10.000 trái mà thôi. Giá dừa đang thu mua cho bà con là 200.000-210.000 đồng/chục, cộng chi phí vận chuyển từ 15.000-20.000 đồng/chục nên giá về tới nhà máy từ 215.000-230.000 đồng/chục. Dù giá dừa rất cao, nhưng do đang vào mùa nghịch nên sản lượng dừa không nhiều”.
Theo những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dừa ở ĐBSCL, nguyên nhân khiến giá dừa tăng mạnh và thiếu hụt nguyên liệu là do mùa nghịch, cộng với năng suất giảm. Ngoài ra tình hình xuất khẩu dừa sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác cũng khá tốt, vì vậy sản lượng dừa ở ĐBSCL không đáp ứng đủ nhu cầu. Dự báo, giá dừa còn duy trì ở mức cao, bởi đến khoảng tháng 8, tháng 9 thì dừa mới thu hoạch chính vụ.
Một DN xuất khẩu dừa thông tin, từ đầu năm đến nay, tuần nào cũng có đơn hàng mới từ thị trường Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, gần đây Thái Lan chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ dừa khô sang dừa tươi nên thiếu hụt nguồn nguyên liệu và tăng nhập khẩu dừa nguyên liệu từ Việt Nam, khiến nguồn cung đang hạn chế càng thêm khan hiếm.
Còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), chỉ trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu dừa vào Mỹ đạt trên 17.000 USD, tăng đến 46% so cùng kỳ năm 2024. Sản phẩm này có nhiều lợi thế như vận chuyển dễ, thời gian bảo quản dài, mùi thơm và vị ngọt đặc trưng, và chế biến nhiều sản phẩm khác từ dừa như: cơm dừa, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, lon… nên được người Mỹ ưa chuộng.
Hiện cả nước có gần 200.000ha dừa, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL và các tỉnh duyên hải miền Trung. Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết, năm nay dừa mất mùa nên sản lượng ít, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều cao. Không chỉ dừa tươi mà nhu cầu dừa khô nguyên liệu để chế biến cũng tăng.
Cũng theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, nước ta có diện tích trồng dừa lớn thứ 5 trên thế giới và là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong hàng chục năm qua, ngành dừa Việt Nam cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú cho các sản phẩm như cơm dừa, nước dừa, dầu dừa…, đồng thời tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho hàng triệu nông dân, công nhân cùng tham gia.
Ngoài những mặt được trên thì ngành dừa đối mặt với những khó khăn khi năng suất chưa cao, phát triển chuỗi giá trị gia tăng chưa như mong muốn, kết nối với thị trường quốc tế còn ít. Do đó, cần xây dựng chuỗi giá trị toàn diện, hiện đại và bền vững nhằm đưa ngành dừa Việt Nam vươn lên trong thời gian tới.
Hồng Hương
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//thi-truong/dua-tuoi-tang-gia-gap-doi-van-khan-hiem-1106367.html