Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật).
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đẩy mạnh vai trò hậu kiểm
Đối với Luật Quy hoạch, các đại biểu nói nhiều đến vấn đề điều chỉnh cục bộ theo quy trình rút gọn. Bộ trưởng cho biết, việc đề nghị bổ sung điều chỉnh thủ tục rút gọn đã được đánh giá hết sức kỹ lưỡng nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn được thời gian và theo như tính toán sẽ rút ngắn được khoảng 300 ngày.
"Đây là một thời gian rất đáng kể đối với các công trình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển cho đất nước trong tình hình mới", ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc không làm thay đổi các mục tiêu và định hướng ở trong quy hoạch đã đề ra, đảm bảo tính đồng bộ, tính kế thừa và tính hệ thống trong quy hoạch các cấp.
Đồng thời, luật xác định được rõ các trường hợp được điều chỉnh, đáp ứng được kịp thời các yêu cầu phát triển. "Chúng tôi cho rằng đối tượng đã được quy định tương đối rõ ràng và minh bạch", Bộ trưởng nêu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Media Quốc hội).
Đối với Luật Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết "có một việc hết sức quan trọng" là lần này thiết kế một "luồng xanh", một chương trình đặc biệt.
"Tôi cũng đã báo cáo trước Quốc hội rằng ở Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỷ USD chỉ có 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD có 68 ngày, Dubai xây dựng một thành phố 600 hecta, 500 tòa nhà, 20 tỷ USD làm đúng 5 năm. Tại sao người ta lại làm được như vậy?", Bộ trưởng đặt câu hỏi và nói rằng, họ không cầu kỳ quy định, quy trình mà cả một dự án như vậy, hoàn thành đúng tiến độ không sai một ngày nào.
Về thiết kế và quy hoạch, ông Dũng cho rằng khi ở Việt Nam từ khâu làm quy hoạch, thiết kế dự án, lập dự toán, thiết kế mất cả năm thì ở Dubai họ chỉ yêu cầu 2 điều đơn giản, dễ hiểu.
"Quốc vương Dubai chỉ duyệt nhiệm vụ thiết kế với 2 điều. Một là không được nhà nào giống nhà nào. Thứ hai là trong thiết kế quy hoạch, kiến trúc từ điểm nọ đến điểm kia không phải là đường thẳng, còn nhà đầu tư muốn thiết kế nào thì cho tự do", ông Dũng nhấn mạnh.
Liên quan đến kết cấu, mật độ và môi trường, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: "Họ theo đúng quy định chuyên ngành, cứ thế làm, không phải xin phép ai. Khi kiểm soát, họ làm sa bàn hết lên, Quốc vương Dubai chỉ phê duyệt 2 tiếng là xong", ông Dũng kể.
Theo Bộ trưởng, đó chính là hậu kiểm, chính là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn để thực hiện và không cần phải xin phép trước, nếu sai thì chịu trách nhiệm.
Xuất phát từ đấy, ông Dũng cho biết ban soạn thảo thiết kế đối với những dự án công nghệ cao nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thì được phép đăng ký đầu tư chứ không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư.
"Chỉ cần đăng ký đầu tư và trong 15 ngày phải cấp cho người ta. Cấp xong rồi anh cam kết thực hiện 3 vấn đề xây dựng, đánh giá tác động môi trường phòng cháy và chữa cháy theo quy định và cứ thế là làm", ông Dũng nói và nhấn mạnh, sau này nếu có vi phạm sau hậu kiểm thì phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng nói thêm: "Lần này chúng ta sẽ làm mạnh như thế và chúng tôi còn muốn mạnh nữa".
Khôi phục hình thức đầu tư BT nhưng sẽ quản lý chặt chẽ hơn
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ trưởng nói rằng chúng ta quay lại cơ chế BT thanh toán bằng đất và bằng tiền.
"Với đề nghị của nhiều địa phương hiện nay, chúng tôi xin phép khôi phục lại nhưng với một phương thức quản lý mới, chặt chẽ hơn để làm sao đảm bảo được quyền lợi của Nhà nước và nhà đầu tư không bị thất thoát, minh bạch", ông nói.
Khôi phục hình thức đầu tư BT là một trong những đề xuất đáng chú ý từ Chính phủ trong dự luật “một luật sửa 4 luật” thuộc lĩnh vực đầu tư (Ảnh: Hữu Thắng).
Về BT chuyển tiếp, ông Dũng nói đây là một vấn đề rất phức tạp. Thống kê tổng hợp sơ bộ hiện có 160 dự án với khoảng 59.000 tỷ đồng, nhưng thực tế còn nhiều hơn thế rất nhiều ở các địa phương.
Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, bao gồm Phó Thủ tướng Thường trực làm Trưởng Ban và trong đó có cả các ngành công an, tòa án, kiểm sát, tất cả các cơ quan nội chính cùng tham gia.
Ban Chỉ đạo sẽ tổng hợp rà soát trên cả nước, sẽ phân loại thành các nhóm với các vi phạm khác nhau và có hướng xử lý cho từng nhóm.
"Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ khơi thông được nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển, đóng góp ngay cho thu ngân sách và cho tăng trưởng kinh tế, giúp được rất nhiều doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm", Bộ trưởng nêu và cho biết, đã báo cáo và xin phép Quốc hội cho một nghị quyết riêng để xử lý đối với chủ trương, đối với từng trường hợp và không đưa vào Luật lần này.
Về Luật Đấu thầu, Bộ trưởng đồng ý với các đại biểu là phải nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu. Thứ hai, phải nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, không để 200 triệu đồng hay 300 triệu đồng.
"Chúng tôi nghiên cứu có thể nâng lên nữa để đảm bảo tính ổn định lâu dài, nếu không chúng ta vừa sửa xong lại bất cập, lại sửa tiếp", ông Dũng nhấn mạnh.
Nguyễn Thu Huyền