Máy bay trinh sát không người lái Global Hawk của quân đội Mỹ. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Theo tờ Politico ngày 15/7, quyết định này đánh dấu một diễn biến mới trong cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm về việc liệu Đức có phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hoạt động quân sự do Mỹ điều phối từ lãnh thổ nước này hay không.
Vụ việc bắt nguồn từ một cuộc không kích bằng UAV của Mỹ nhằm vào mục tiêu bị nghi là phần tử khủng bố al-Qaeda ở Yemen hồi tháng 8/2012. Vụ tấn công đã khiến hai công dân Yemen thiệt mạng, trong đó có một giáo sĩ Yemen, chú của hai nguyên đơn đệ đơn kiện.
Hai nguyên đơn, được hỗ trợ pháp lý bởi Trung tâm Hiến pháp và Nhân quyền Châu Âu (ECCHR) có trụ sở tại Berlin, lập luận rằng chính phủ Đức phải chịu trách nhiệm vì đã cho phép Mỹ sử dụng cơ sở hạ tầng vệ tinh tại căn cứ Ramstein để hỗ trợ các cuộc không kích. Phía nguyên đơn cho rằng Berlin cần có biện pháp ngăn chặn các hoạt động quân sự như vậy nhằm bảo vệ tính mạng con người, phù hợp với Hiến pháp Đức.
Luật sư đại diện của các nguyên đơn cũng cho rằng Điều 2 của Hiến pháp Đức - quy định về quyền bất khả xâm phạm đối với tính mạng và toàn vẹn thân thể - cần được áp dụng không chỉ với công dân Đức mà còn với các cá nhân ở nước ngoài, trong trường hợp quyền này có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động liên quan đến lãnh thổ Đức.
Tuy nhiên, trong phán quyết công bố ngày 15/7, Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức cho rằng, mặc dù chính phủ Đức có nghĩa vụ bảo vệ các quyền cơ bản của con người và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế - bao gồm cả với công dân nước ngoài khi có yếu tố liên quan đến lãnh thổ Đức - nhưng các điều kiện để xác định nghĩa vụ bảo vệ cụ thể trong trường hợp này chưa được đáp ứng đầy đủ.
Tòa án nhấn mạnh: “Chính phủ Đức không vi phạm luật pháp quốc tế khi cho phép quân đội Mỹ sử dụng cơ sở hạ tầng vệ tinh tại Ramstein để hỗ trợ các hoạt động quân sự. Trong vụ kiện này, nghĩa vụ bảo vệ cụ thể chưa được chứng minh đầy đủ”.
Tranh luận về vai trò của Đức trong các chiến dịch quân sự của Mỹ thông qua căn cứ Ramstein không phải là vấn đề mới. Từ năm 2010, quân đội Mỹ đã thông báo với chính phủ Đức về kế hoạch lắp đặt trạm chuyển tiếp vệ tinh tại Ramstein nhằm đảm bảo liên lạc cho các chiến dịch quân sự tại Trung Đông và Bắc Phi. Khi đó, Berlin không đưa ra phản đối chính thức.
Theo các chuyên gia, mặc dù các UAV tấn công được điều khiển trực tiếp từ lãnh thổ Mỹ, nhưng tín hiệu điều khiển vẫn phải được định tuyến qua hệ thống vệ tinh đặt tại Ramstein - vốn đóng vai trò như một trạm trung chuyển quan trọng trong mạng lưới chỉ huy tác chiến toàn cầu của Mỹ.
Phán quyết lần này được đánh giá là khẳng định quan điểm pháp lý của Đức rằng Berlin không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các hoạt động quân sự do Mỹ thực hiện, ngay cả khi căn cứ Ramstein vẫn là mắt xích quan trọng trong hệ thống điều phối tín hiệu chiến thuật toàn cầu của Washington.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc