Đức có thể cung cấp khoảng 100 tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine vào mùa hè năm 2025 nhằm tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kyiv trong bối cảnh xung đột đang diễn ra với Nga ngày càng quyết liệt.
Mới đây chính quyền Berlin đã chính thức bảo mật thông tin về việc cung cấp vũ khí cho Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) sau thời gian hoàn toàn minh bạch mọi thứ liên quan.
Diễn biến trên được các nhà phân tích đánh giá có thể là một nỗ lực nhằm tạo hiệu ứng bất ngờ và giảm thiểu rủi ro về hậu cần khi cung cấp tên lửa hành trình Taurus, bởi vũ khí này rất đặc biệt.
Taurus KEPD 350 do công ty Taurus Systems - một liên doanh giữa Đức và Thụy Điển phát triển là tên lửa hành trình dẫn đường chính xác có tầm bắn hơn 500 km, với khả năng tấn công các mục tiêu kiên cố như boongke và sở chỉ huy của đối phương.
Tạp chí Army Recognition cho biết, tên lửa Taurus được trang bị đầu đạn mạnh và hệ thống dẫn đường tiên tiến, đi kèm năng lực tàng hình nhờ tích hợp máy phát xung điện từ đặc biệt cho phép vượt qua hệ thống phòng không của đối phương một cách rất hiệu quả.
Trước đây, Đức đã nhiều lần từ chối cung cấp Taurus cho Ukraine, cụ thể vào năm 2023 và 2024, quốc hội nước này (Bundestag) đã từ chối yêu cầu tương tự vì lo ngại xung đột sẽ leo thang mất kiểm soát.
Thủ tướng Đức khi đó là ông Olaf Scholz đã tuyên bố rằng việc chuyển giao vũ khí nói trên đòi hỏi phải có sự hiện diện của binh sĩ Đức trên lãnh thổ Ukraine để làm công tác bảo trì và chuẩn bị dữ liệu cho vũ khí, đây điều mà Berlin muốn tránh.
Mặc dù vậy sự thay đổi lập trường của Đức diễn ra trước áp lực từ các đồng minh NATO, đặc biệt sau khi Berlin có chính phủ mới sau cuộc bầu cử trước thời hạn.
Hãng tin Anh Reuter cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Kyiv vào ngày 10/ 5, một "liên minh tự nguyện" bao gồm Pháp, Anh và Ba Lan đã kêu gọi tăng viện trợ quân sự cho Ukraine trước các cuộc đàm phán tại Istanbul vào ngày 15/5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - người ủng hộ sáng kiến này, đã nhấn mạnh hai bên cần đạt được lệnh ngừng bắn trong 30 ngày, nhưng Nga đã bác bỏ điều kiện trên và tiếp tục các cuộc tấn công.
Mới đây vào ngày 12/5, khoảng 20 máy bay không người lái và nhiều tên lửa hành trình được huy động đã xâm nhập không phận Ukraine, Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết.
Trước diễn biến ngày càng căng thẳng, việc Đức chuyển giao tên lửa hành trình Taurus với số lượng lớn được dự báo sẽ củng cố đáng kể vị thế của Kyiv trên bàn đàm phán, đặc biệt là trong bối cảnh Nga cũng sử dụng tên lửa mới - đó chính là loại Banderol.
Việt Dũng
Theo Avia/Reporter