Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, trong một tuyên bố hôm 22/7, nhấn mạnh: "Đức có thể chuyển hai hệ thống Patriot cho Ukraine, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng tôi nhận được những hệ thống phòng không thay thế trong vòng sáu đến tám tháng" .
Quan chức này nhấn mạnh, Đức phải duy trì khả năng hoạt động và tiếp tục huấn luyện binh sĩ vận hành hệ thống Patriot.
"Chúng tôi sẽ mất khả năng vận hành nếu không thể huấn luyện binh sĩ trong một năm, một năm rưỡi, hoặc thậm chí hai năm do thiếu hệ thống phòng không", ông nói.
Bộ trưởng Boris Pistorius cũng lưu ý rằng, các cuộc thảo luận liên quan đến giải pháp chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine đang diễn ra.
"Điều này không phải là 'vô vọng', nhưng điều kiện quan trọng là các quốc gia sở hữu chúng phải sẵn sàng bàn giao ngay lập tức, để những quốc gia khác có thể chi trả và chuyển giao cho Ukraine" ông nói thêm.
Trước đó, tại cuộc họp Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (còn được gọi là nhóm Ramstein), Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius cho biết, Berlin sẽ giúp Kiev nhận được năm hệ thống Patriot "càng sớm càng tốt".
Kế hoạch này được cho là đã có sự thống nhất với Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Washington sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine với điều kiện các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu chi trả.
Đức ban đầu có 12 hệ thống phòng không Patriot. Ba trong số đó đã được chuyển giao cho Kiev. Hai hệ thống khác đã được cho Ba Lan thuê, và ít nhất một hệ thống đang được bảo trì. Như vậy, Đức chỉ còn sáu hệ thống Patriot đang hoạt động.
Patriot là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không di động (SAM) do Tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon Technologies sản xuất. Đây là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ và đã được đưa vào sử dụng từ những năm 1980.
Một trong những điểm chính của hệ thống Patriot là khả năng tích hợp với các hệ thống phòng không khác, tạo ra mạng lưới phòng thủ nhiều lớp. Một khẩu đội tiêu chuẩn bao gồm hệ thống radar, chỉ huy, bệ phóng và xe hỗ trợ.
Ở thời điểm hiện tại, tên lửa PAC-3 MSE được đánh giá là phiên bản mạnh nhất của hệ thống Patriot. Tên lửa này có tốc độ cao, sử dụng công nghệ tìm-diệt mục tiêu chính xác, cho phép đánh chặn nhiều mục tiêu trên không, như: Tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.
Quỳnh Như